Biến dạng xương đùi sau tai nạn từ 46 năm năm trước

Sức khỏe 17/02/2023 09:57

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa phẫu thuật cắt xương, chỉnh trục cho cụ ông 75 tuổi bị tai nạn gãy xương cách đây 46 năm nhưng không được điều trị cẩn thận.

Cách đây 46 năm, cụ ông H. H. V (75 tuổi, địa chỉ tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) không may bị ngã gãy xương đùi trái và được điều trị tại cơ sở y tế. Vài tháng sau ông V. lại tiếp tục bị ngã.

Gia đình không chắc phần xương bị gãy trước đó đã liền chưa nhưng sau tai nạn này ông V. không điều trị “đến nơi đến chốn” dẫn đến việc từ người bình thường ông V. đi lại khập khiểng do lệch trục xương.

Biến dạng xương đùi sau tai nạn từ 46 năm năm trước - Ảnh 1

Phim chụp của ông V. cho thấy, ông đã bị lệch trục xương sau vụ tai nạn

Khoảng thời gian gần đây, ông V. bị đau nhiều ở phần khớp gối trái, đau tăng khi ngồi xổm nên gia đình quyết định đưa ông đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long để điều trị.

Qua thăm khám và cận lâm sàng, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh – Cơ xương khớp đã chẩn đoán đây là trường hợp lệch trục xương đùi trái dẫn đến thoái hóa khớp gối do di chứng gãy xương. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt xương đùi chỉnh trục, chờ liền xương sẽ thay khớp gối trái toàn phần cho bệnh nhân.

Ekip bác sĩ đánh giá đây là trường hợp hiếm, khá phức tạp, các bác sĩ đã kỳ công tính toán từng chi tiết để ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ 30 phút thành công. Sau mổ, sức khỏe người bệnh ổn định, xương đùi trái thẳng trục, có thể vận động trong phạm vi nhất định, dấu hiệu đau khi vận động giảm rõ rệt.

Biến dạng xương đùi sau tai nạn từ 46 năm năm trước - Ảnh 2

Ông V. đang dần phục hồi sau phẫu thuật

Theo Ths. BS. Lê Dũng, Phó Trưởng Khoa Ngoại thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long: Với tổn thương của người bệnh, nếu đến bệnh viện kịp thời và điều trị đúng phương pháp thì tình trạng sẽ không trở nên nghiêm trọng như vậy. Trên trường hợp cụ ông V., nếu kiên trì tập vật lý trị liệu 6 tháng theo chỉ định và chờ liền xương để tiếp tục phẫu thuật thay khớp gối trái toàn phần thì khả năng phục hồi chức năng vận động trên 90%.

Qua trường hợp này, BS Lê Dũng cũng khuyến cáo người dân khi bị các chấn thương gây tổn thương đến xương khớp cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị đúng phương pháp. Không nên tự điều trị tại nhà vì rất có thể sẽ khiến tình trạng bệnh không được cải thiện, có thể gây ra tình trạng chấn thương nặng, hoại tử, nhiễm trùng khó có thể hồi phục hoặc để lại di chứng kéo dài.

Thiếu máu lên não cơ thể phản ứng thế nào, nguy hiểm không?

Các triệu chứng ban đầu của thiếu máu não có thể chỉ là đau đầu, chóng mặt, mất ngủ,… song sẽ dẫn đến kết cục nguy hiểm nếu không cải thiện kịp thời, đó chính là tai biến mạch máu não.

TIN MỚI NHẤT