Không phải chỉ người lớn, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc phải triệu chứng hạ đường huyết, điển hình như trẻ một ngày tuổi tại đây.
- Mẫu chè đậu trắng phát miễn phí nhiễm đến 5 loại vi khuẩn: một người tử vong, 88 người ngộ độc
- TP.HCM: Cứu sống người mẹ bất ngờ ngưng tim, ngưng thở sau 5 phút sinh con
Theo thông tin từ VietNamNet mới đây, Bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Quý Phong, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết bệnh nhi là bé L.T.C, 1 ngày tuổi.
Ngày 8/1, bé C. được chuyển từ bệnh viện quận lên Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ vì ọc sữa nhiều, sặc sữa. Khoa Sơ sinh tiếp nhận bé với tình trạng suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh và hạ đường huyết. Bé nhanh chóng được thở máy, điều trị nhiễm trùng và hạ đường huyết.
Qua thăm khám và thực hiện xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Trẻ được điều trị kịp thời bằng corticoid, sandostatin, kết hợp nuôi ăn đường tĩnh mạch với nồng độ đường cao, nuôi ăn sữa mẹ sớm.
Sau hơn 25 ngày điều trị, tình trạng hạ đường huyết của bé cải thiện rõ rệt, vấn đề suy hô hấp, nhiễm trùng đã có những chuyển biến tích cực. Bé được chuyển sang nằm khu sơ sinh thường, không cần hỗ trợ hô hấp, dinh dưỡng chuyển sang bú mẹ hoàn toàn và tiếp tục duy trì kháng sinh.
Dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ
Theo các bác sĩ, hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh chia 2 nhóm: hạ đường huyết thoáng qua và hạ đường huyết kéo dài.
Hạ đường huyết kéo dài ít phổ biến hơn nhưng có hậu quả nặng nề như gây co giật hoặc tổn thương não vĩnh viễn. Tình trạng này được xác định dựa vào lâm sàng và thông qua đo nồng độ glucose huyết thanh. Nguyên nhân chủ yếu là cường insulin máu, nội tiết (suy tuyến yên, thiếu cortisol máu, thiếu glucagon bẩm sinh, thiếu epinephrin), rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hay do nguyên nhân thần kinh.
Cũng theo Báo Sức khỏe và đời sống, khi thấy bé có các triệu chứng sau, cần chú ý bởi có thể là dấu hiệu của hạ đường huyết: Trẻ có vẻ mặt hốt hoảng, vã mồ hôi, da xanh tái, run rẩy, khó chịu cáu gắt, đói cồn cào, mệt mỏi, đánh trống ngực. Trẻ nhỏ hơn thì khóc lè nhè kèm ngủ gà gật.
Nếu hạ đường huyết trầm trọng hơn, các triệu chứng sau đây có thể xảy ra: kích thích, co giật, nói lắp bắp, nói ngọng, đi không vững, rối loạn thị giác (ví dụ như mờ mắt, nhìn đôi), mất ý thức...
Có nhiều căn bệnh cũng có các triệu chứng tương tự, do đó, cần kiểm tra mức đường huyết của trẻ để biết chính xác nguyên nhân.
Đối phó với hạ đường huyết ở trẻ
Theo Báo Sức khỏe và đời sống, nguyên tắc đối phó với hạ đường huyết là phải hành động nhanh chóng, dễ dàng. Phương pháp điều trị có thể tùy theo các triệu chứng của trẻ, nhưng có thể tham khảo các biện pháp phổ biến sau:
Nhanh chóng cho trẻ ăn một số thực phẩm có lượng đường cao, có tác dụng nhanh, chẳng hạn như: 4 - 6 miếng kẹo cứng có đường; 1/2 cốc nước ép trái cây; 1/2 cốc nước ngọt (không phải loại dành cho người ăn kiêng) hay đơn giản là 1 muỗng mật ong. Để đường hấp thụ vào máu nhanh hơn, có một mẹo là ngậm kẹo dưới lưỡi. Nếu có sẵn có thể cho trẻ uống 1 cốc sữa tách kem; hoặc 3 - 4 viên glucose hay 1 ống gel glucose.
Sau đó, đợi trong 15 phút rồi kiểm tra đường huyết của trẻ. Nếu chỉ số đường huyết thấp hơn giới hạn bình thường, hãy cho trẻ nạp thêm đồ uống hoặc thực phẩm có đường. Lặp lại quá trình cho đến khi trẻ đạt mức đường huyết bình thường.
Điều trị hạ đường huyết ketotic: Trong trường hợp này, trẻ cần phải có chế độ ăn giàu protein và carbohydrate trong một thời gian dài cho đến khi hồi phục. Thực phẩm giàu carbohydrate bao gồm gạo, ngũ cốc và bánh mì. Thực phẩm giàu protein bao gồm trứng, sữa, các loại hạt và sữa đậu nành.
Đối phó với Hyperinsulinism: Là một căn bệnh đặc trưng bởi cơn hạ đường huyết do tăng tuyệt đối hay tương đối nồng độ insulin. Đối với chứng tăng insulin, các loại thuốc như diazoxide có thể được sử dụng để làm giảm việc sản xuất quá mức insulin. Nếu dùng thuốc thất bại, có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Bên cạnh đó, đối với trẻ lớn hơn, tập thể dục không chỉ khuyến khích giảm cân và lối sống lành mạnh hơn mà còn giúp cải thiện độ nhạy insulin và làm giảm các dấu hiệu của hạ đường huyết.
Điều trị hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh: Có thể cung cấp ngay cho trẻ glucose thông qua những thức ăn đơn giản như sữa bột hoặc pha glucose với nước cho trẻ uống. Trong một số trường hợp, có thể bổ sung glucose bằng tiêm tĩnh mạch nhưng dưới sự theo dõi chặt chẽ của các y bác sĩ đồng thời với theo dõi chặt chẽ cho đến khi mức đường huyết của em bé trở về bình thường và ổn định.