Bé gái 8 tuổi, ngụ Tây Ninh đang chơi ở ruộng gần nhà chơi thì bị ong nghệ đốt gần 20 mũi, bệnh nhi ngay lập tức có cảm giác khó thở và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
- Nam thanh niên 37 tuổi nổi hạch, sốt cao, được chẩn đoán mắc bệnh 'mèo cào' hiếm gặp
- Tính mạng nguy kịch vì xem thường vết thương nhỏ ở bàn chân
Theo thông tin ghi nhận từ báo Người Lao Động, ngày 22-6, Huỳnh Trung Hiếu, Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị thành công một bé gái 8 tuổi bị sốc phản vệ nặng do ong nghệ đốt.
Sau khi bị đốt gần 20 mũi, tình trạng bệnh nhi diễn tiến nguy kịch huyết áp không đo được, sau khi xử trí bước đầu, bệnh nhi nhanh chóng được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.
Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng rất nguy kịch, da ửng đỏ, phù mi mắt, sốt, mệt nhiều và khó thở, cơ thể có gần 20 nốt sưng phù do ong đốt. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy bé có tình trạng sốc phản vệ nặng. Bác sĩ chuyên Khoa Nhi cùng các bác sĩ Khoa Cấp cứu hội chẩn khẩn, chẩn đoán bệnh nhi sốc phản vệ mức độ nặng. Các bác sĩ tiến hành xử trí hồi sức cho bệnh nhi, tích cực điều trị theo phác đồ sốc phản vệ.
Bác sĩ Hiếu cho hay qua một ngày điều trị tích cực, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi đã ổn định hơn, giảm mệt, giảm khó thở. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã hoàn toàn hồi phục và đã được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Cách sơ cứu khi bị ong đốt
Người dân khi bị ong đốt thường thoa dầu hoặc các loại thuốc dân gian để bớt sưng, giảm nhức. Nhưng xử trí khi bị ong đốt không chỉ thoa thuốc mà còn phải theo dõi các biến chứng cấp tính: Suy hô hấp, suy thận, sốc phản vệ,… Dưới đây là các cách sơ cứu người bị ong đốt:
- Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực bị ong đốt. Đặt nạn nhân nằm yên, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể.
- Các loại côn trùng khác thường không để lại dấu vết khi đốt. Còn ong thường để lại kim và túi chứa nọc độc tại vị trí đốt.
Nếu vòi chích nổi lên bề mặt da, dùng nhíp gắp nhẹ lấy kim ra.
Tránh dùng tay khều hoặc chà xát, đè lên vết chích bởi mũi kim dính vào da có kèm theo túi chứa nọc độc sẽ tiếp tục bơm chất độc vào cơ thể. Cần lấy kim ra khỏi da càng nhanh càng tốt, tránh chất độc gây sưng, nhức nhối nghiêm trọng hơn.
- Rửa vết chích bằng xà phòng hoặc nước sạch, nước ấm, dung dịch sát trùng.
- Đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để giảm sưng, giảm đau,…
- Cho nạn nhân uống nhiều nước để thải bớt độc tố.
Tuyệt đối không dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược) hay vôi bôi lên vết chích. Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tại cơ sở y tế, nếu bệnh nhân có phản ứng nặng tại vị trí đốt, cho uống thuốc kháng histamin và corticosteroid theo chỉ định của bác sĩ.