Ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua nhiều cách khác nhau. Mới đây, trường hợp người đàn ông ở Bồ Đào Nha bị ấu trùng ruồi ký sinh bên trong tai là một ví dụ.
- Đừng để ung thư vú là nổi ám ảnh của bạn, nắm nhanh bí quyết chặn đứng cơ hội mầm mống bệnh tấn công
- Cách nhận biết "dấu hiệu sớm" cảnh báo bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Theo tờ New York Post, một người đàn ông Bồ Đào Nha đã bị sốc và kinh hoàng sau khi phát hiện ra rằng chứng "đau tai" tưởng như vô hại của mình là do một đàn giòi (ấu trùng ruồi) đã cư trú trong ống tai của mình gây ra. Trường hợp này được công bố vào cuối tháng trước (12/2022) trên Tạp chí Y học New England.
Theo đó, bệnh nhân 64 tuổi đã đến Bệnh viện Pedro Hispano ở Matosinhos sau khi bị "đau, ngứa và chảy máu ở tai trái" trong 5 ngày.
Một cuộc kiểm tra sau đó cho thấy thính giác của người đàn ông bị nhiễm "rất nhiều ấu trùng di động" – chúng thậm chí đã đục thủng một phần màng nhĩ của bệnh nhân, tờ Jam Press đưa tin. Đoạn phim đi kèm cho thấy một "tổ" ấu trùng cuộn vào nhau đang ngoe nguẩy bên trong tai của người đàn ông.
Bác sĩ phụ trách Catarina Rato nhận định "cơ thể hình trụ, phân đoạn, màu trắng vàng" của ấu trùng (ký sinh trong tai người đàn ông) phù hợp với đặc điểm nhận dạng ấu trùng của loài ruồi Cochliomyia Hominivorax.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), những ký sinh trùng trông đáng sợ này cư trú ở Trung và Nam Mỹ, tồn tại bằng cách cư trú trong "tất cả các loài động vật máu nóng, kể cả con người".
Theo trang này, con ruồi cái (ruồi mẹ) đẻ tới 400 quả trứng trong vết thương của động vật và "trên các mô mềm như mũi, rốn và hậu môn" (của con người). Sau khi ấu trùng nở, chúng chui qua thịt và tạo ra các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, từ đó thu hút nhiều con cái đẻ trứng hơn - một tình trạng được gọi là chứng ấu trùng di chuyển (myiasis).
Mặc dù ấu trùng có kích thước nhỏ nhưng chúng có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Rất may, các bác sĩ đã có thể tiêu diệt lũ ấu trùng và khử trùng ống tai của người đàn ông bằng hỗn hợp thuốc nhỏ tai kháng sinh, dung dịch axit boric và thuốc kháng sinh đường uống. Sau đó, họ dùng kẹp đặc biệt để loại bỏ ấu trùng chết ra khỏi tai bệnh nhân.
Bệnh nhân may mắn là ấu trùng chưa chết hoặc phân hủy trong các mô sâu bên trong, bởi trong trường hợp đó người này có thể phải phẫu thuật để loại bỏ chúng.
Đây không phải là lần đầu tiên cơ thể của một người nào đó bị biến thành ổ chứa ấu trùng. Năm 2019, các bác sĩ ở Ấn Độ đã loại bỏ hàng trăm u nang có kích thước khác nhau khỏi dạ dày của một phụ nữ. Kẻ xâm nhập vào đường tiêu hóa của người này hóa ra là những con sán dây mới sinh, khiến bụng cô ấy sưng to lên.
Cách xử lý khi có dị vật chui vào trong tai
Trên tờ TOPick của Hồng Kông (Trung Quốc), bác sĩ tai mũi họng Chung Yiu Kee đã chia sẻ nếu côn trùng chui vào tai và bò trong ống tai, chúng có thể cắn vào thành trong của ống tai hoặc màng nhĩ. Ông gợi ý rằng có thể dùng dầu ô liu để diệt côn trùng, nhưng nhắc nhở rằng nếu bản thân màng nhĩ bị tổn thương hoặc thủng thì không nên đổ dầu vào tai, vì dầu ô liu có thể thấm vào tai giữa và khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Nếu có dị vật trong tai, tránh dùng các vật cứng như tăm bông để lấy chúng ra ngoài, trước tiên có thể nhẹ nhàng kéo vành tai lên xuống để làm thẳng ống tai, đồng thời kiểm tra tình trạng của ống tai bằng đèn pin.
Dị vật lọt vào tai có thể gây đau tai, nếu màng nhĩ hoặc ống tai bị tổn thương đồng thời sẽ dẫn đến chảy máu tai, chảy mủ… tiếp theo là tạo hạt hoặc viêm tai giữa, nghiêm trọng có thể gây điếc tai, hoa mắt.
Nguồn và ảnh: New York Post, TOPick