Theo chuyên gia, Adenovirus có khả năng gây ra nhiều bệnh ở đường hô hấp, mắt, đường tiêu hóa, tiết niệu và ở gan,…
- Tính khí thất thường sau tuổi 40: Bác sĩ lý giải nguyên nhân
- Trẻ rối loạn tâm thần: 7 dấu hiệu cần nhận biết
Chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết, Adenovirus lây truyền chủ yếu theo đường hô hấp, virus có ở họng trong những ngày đầu của bệnh, rồi theo phân ra ngoài trong nhiều tuần lễ và tồn tại nhiều năm ở hạch hạnh nhân.
Adenovirus có khả năng gây ra nhiều bệnh (Ảnh minh họa)
Các hội chứng lâm sàng thường gặp khi nhiễm Adenovirus
Adenovirus gây viêm đường hô hấp
– Viêm họng cấp do adenovirus: Thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện sốt sưng họng, ho và chảy nước mũi. Chẩn đoán thường khó phân biệt với các nhiễm virus khác. Bệnh thường do adenovirus nhóm C gây ra.
– Viêm họng kết mạc do adenovirus: Triệu chứng giống viêm họng nhưng kèm thêm viêm kết mạc thành dịch ở người trẻ tuổi và trẻ em. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là lây qua nước ở bể bơi vào mùa hè. Bệnh do virus nhóm B, các type 3, 7, 1.
– Viêm cấp tính đường hô hấp do adenovirus: Biểu hiện bằng viêm họng, sốt, ho. Bệnh diễn biến cấp tính, khỏi nhanh sau 3 – 4 ngày, chủ yếu ở trẻ nhỏ. Các type gây bệnh là 3, 4, 7.
– Adenovirus gây viêm phổi: Chủ yếu là type 3 và 7, chiếm tỷ lệ 10% viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Viêm phổi do adenovirus có tỷ lệ tử vong 8- 10%.
Adenovirus có thể gây viêm đường hô hấp (Ảnh minh họa)
Adenovirus gây viêm kết mạc mắt (bệnh đau mắt đỏ thành dịch)
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho hay, loại bệnh này còn gọi là bệnh bể bơi "swimming pool" do dễ lây qua nước ở bể bơi vào mùa hè.
Bệnh dễ dàng phát triển thành dịch biểu hiện viêm cấp tính kết giác mạc, dễ bị bội nhiễm nếu không can thiệp kịp thời. Bệnh này chủ yếu là virus nhóm B đặc biệt là type 3, 7.
Adenovirus gây bệnh viêm dạ dày – ruột
Một số type Adenovirus gây bệnh đường tiêu hóa với biểu hiện viêm dạ dày và ruột cấp tính, virus được đào thải trong phân và là nguồn lây chủ yếu.
Type 40 và 41 gây bệnh dạ dày ruột, chúng chiếm 5 – 15 % các trường hợp. Một số tác giả còn mô tả các virus nhóm C cũng chiếm một tỷ lệ nhất định.
Nhiễm virus thể ẩn
Một số lớn các nhiễm trùng adenovirus là ở thể ẩn. Một người có thể nhiễm adenovirus nhiều lần nhưng đều bị bỏ qua vì không có dấu hiệu lâm sàng, chỉ phát hiện được khi nuôi cấy phân lập virus. Adenovirus có thể sống âm ỉ trong hạch hạnh nhân và trong ruột người lành trong nhiều tuần.
Adenovirus và các bệnh khác
Các type 11 và 12 có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em, nhất là trẻ em trai. Virus thường thấy trong nước tiểu của những bệnh nhân này. Type 37 thấy ở niệu đạo, tử cung và được coi là lây truyền qua đường tình dục.
Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm virus Adenovirus (Ảnh minh họa)
Người đã khỏi bệnh có nguy cơ tái nhiễm adenovirus không?
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết, trên thực tế lâm sàng tác nhân là adenoviruses thuộc họ Adenoviridae. Adenoviruses người thuộc giống Mastadenovirus có ít nhất 47 type huyết thanh.
Type 1-5, 7, 14 và 21 vừa gây bệnh viêm họng hạch vừa gây bệnh viêm kết mạc. Type 40 và 41 thường gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em. Các trường hợp mắc bệnh nặng thường do adenovirus type 5, 8, 19 gây ra.
Nếu người bệnh nhiễm adenovirus sau khi khỏi bệnh có miễn dịch với adenovirus với hiệu quả cao và kéo dài với cùng type mắc bệnh nhưng không có khả năng bảo vệ với các type khác. Nghĩa là nếu tiếp xúc với bệnh nhân mắc ở type khác thì vẫn có khả năng nhiễm bệnh.