7 - 9 tuần bị thai lưu: Xử lý thế nào, bao lâu mang thai lại?

Sức khỏe 20/02/2023 05:57

Mang thai và sinh con ra được khỏe mạnh là điều mà bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, không ít trường hợp mang thai được 7-9 tuần lại bị thai lưu.

Tìm đến bệnh viện để điều trị, Chị Thanh Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) - 29 tuổi, Hà Nội chia sẻ, chị mang thai 2 lần đều có tim thai nhưng đáng buồn là sau đó 7 - 9 tuần thai lại ngừng không phát triển.

“Hiện tại, vợ chồng tôi đang rất hoang mang và không biết mình nên đi các bước tiếp theo như thế nào, sợ rằng lần mang thai tới cũng gặp phải tình trạng tương tự”, chị Mai buồn rầu tâm sự.

Là người trực tiếp thăm khám cho chị Mai, ThS. BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo, BV Phụ sản Trung ương cho biết, có rất nhiều mẹ đã từng phải đối mặt với tình trạng thai chết lưu, không có tim thai giống như trường hợp trên. Đây là cú sốc lớn, khiến họ đau buồn, suy sụp trong một thời gian dài.

7 - 9 tuần bị thai lưu: Xử lý thế nào, bao lâu mang thai lại? - Ảnh 1

ThS. BS Phan Chí Thành thăm khám cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Thành, có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng thai lưu liên tiếp như tử cung bất thường, bộ NST của phôi bất thường, các vấn đề về di truyền, hội chứng antiphospholipid, bất thường tuyến giáp…

Do vậy, để xác định rõ nguyên nhân, bác sĩ Thành khuyến cáo mẹ cần làm các xét nghiệm:

Thứ nhất, kiểm tra xem mẹ có bị hội chứng antiphospholipid hay không vì đây là hội chứng hay gặp gây thai lưu sau khi đã có tim thai ở tuần thứ 8, thứ 9.

Thứ 2, chụp buồng tử cung vòi trứng xem có dấu hiệu bất thường hay không vì đây là nơi cho thai nhi làm tổ và phát triển.

Thứ 3, thăm dò các bệnh lý toàn thân cho mẹ bầu như bị tiểu đường, rối loạn tuyến giáp,...

Bao lâu có thể mang thai trở lại?

Theo bác sĩ Thành, sau 1 lần thai lưu, các mẹ cần nghỉ ngơi tối thiểu khoảng 3 tháng để cơ thể hồi phục.

Đây sẽ là thời gian cần thiết để cho sức khỏe cả về thể chất và tinh thần được hồi phục, đặc biệt là thời gian để cho lớp niêm mạc tử cung có thể hồi phục trở lại sau hút, đồng thời sẽ là thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho lần mang thai tới.

Nếu như có thai lại sớm sau lưu, sức khỏe mẹ chưa hồi phục, khi kinh nguyệt chưa trở lại đều đặn, nội tiết và niêm mạc tử cung chưa hồi phục tốt sau lưu như vậy sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc lưu thai trong lần mang thai tới.

Để chuẩn bị cho lần mang thai tới, các mẹ cần giữ gìn sức khỏe, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi, làm việc và sinh hoạt điều độ, dành thời gian tiêm phòng những mũi cần thiết trước khi mang thai (nếu lần trước chưa được tiêm), kiểm tra lại sức khỏe trước khi mang thai lại...

Khi đã có thai, cần lưu ý đi lại nhẹ nhàng, quan hệ vợ chồng nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến sự làm tổ và phát triển của thai nhi trong tử cung, đăng ký quản lý thai nghén sớm và kiểm tra thai định kỳ đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ sản khoa.

 

Hà Nội: Người phụ nữ gặp biến chứng bất ngờ sau khi tân trang vùng kín, bác sĩ khẳng định quan niệm sai lầm

Sau khi đi thu hẹp, người phụ nữ lại rơi vào cảnh oái ăm trong sinh hoạt vợ chồng, buộc chị phải tìm đến các bác sĩ nới rộng ra, vết thương mất nhiều thời gian để lành lại.

TIN MỚI NHẤT