Mới đây, một người phụ nữ 51 tuổi đã sinh con tự nhiên, em bé chào đời nặng 3,2kg, kháu khỉnh và hoàn toàn khỏe mạnh.
- Chi tiền tân trang ‘vùng kín’ tại spa, người phụ nữ gặp biến chứng nặng
- Số ca COVID-19 tăng cao đột biến: Bộ Y tế khuyến cáo
Thế nhưng, vẫn có nhiều người thắc mắc, phụ nữ trên 50 vẫn có thể sinh con tự nhiên? Lí giải về điều này, bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, khoa Sản bệnh (A4), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thông tin trên VietNamNet cho hay, "những mẹ mang bầu và sinh con ở tuổi 47, 48 tuổi chúng tôi đã từng khám và đỡ đẻ thành công, nhưng trên 50 tuổi thì rất hiếm. Bản thân tôi là bác sĩ cảm thấy rất ngạc nhiên, vì sao có thể mang bầu tự nhiên khi ở tuổi buồng trứng suy giảm cạn kiệt", bác sĩ Đạo cho biết.
Theo bác sĩ Đạo, việc người phụ nữ mang thai, sinh con ở tuổi ngoài 60 thường là các trường hợp hiếm muộn, con gái hoặc họ hàng nhờ mẹ mang thai hộ, trẻ có được nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, xin trứng hoặc dùng phôi trữ.
Ở Việt Nam, năm 2021, Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa từng can thiệp thành công giúp người phụ nữ 61 tuổi ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) làm mẹ, chồng bà năm đó 68 tuổi. Năm 2017, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội công bố lần đầu tiên ở Việt Nam có người phụ nữ sinh con tuổi 60. Cả hai trường hợp đều có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Phương, Chủ nhiệm khoa Phụ sản Bệnh viện 354 (Hà Nội), người trực tiếp theo dõi thai kỳ và đỡ đẻ thành công cho bà mẹ 51 tuổi cũng chia sẻ trên Báo VietNamNet, cho biết khi mãn kinh, phụ nữ không thể mang thai. Tuy nhiên, giai đoạn 3-5 năm trước thời kỳ này, họ thường trải qua giai đoạn tiền mãn kinh với nhiều rối loạn về thể chất, nội tiết, tâm sinh lý.
Cơ quan sinh dục của phụ nữ có sự thay đổi như ngực teo nhỏ và chảy xệ, teo, khô vùng âm hộ, âm đạo hay các dấu hiệu bốc hỏa, đổ mồ hôi… Đặc biệt, phụ nữ giai đoạn này có sự thay đổi về chu kỳ và tính chất của kinh nguyệt. Chu kỳ bị rối loạn, vòng kinh thay đổi, ít dần, kéo dài và thưa dần, có thể bị rong kinh hoặc cường kinh…
"Giai đoạn này phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai, dù lượng estrogen suy giảm có thể khiến việc mang thai tự nhiên trở nên khó khăn hơn", bác sĩ Phương cảnh báo. Đồng thời, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo phụ nữ tuyệt đối không chủ quan với thời kỳ "sẩm tối" này. Trường hợp có biểu hiện mất kinh, trễ kinh, nên thử thai và đi khám bác sĩ chuyên sản phụ khoa. BS Phan Chí Thành - Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản trung ương cũng đưa ra 3 lưu ý cho những phụ nữ mang thai muộn sau 35 tuổi, chia sẻ trên Dân Trí.
Thứ nhất, người phụ nữ nên khám sức khỏe trước khi dự định mang thai. Nếu không đủ điều kiện về sức khỏe thì không nên cố mang thai.
Thứ hai, trong quá trình mang thai phải sàng lọc dị tật, theo dõi chặt chẽ cả quá trình thai kỳ.
Thứ ba, phụ nữ mang thai nên xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, đa dạng các loại thực phẩm để tăng cường sức đề kháng cho mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Trước đó, tháng 4/2022, bà S., hơn 50 tuổi (sống tại Bắc Kạn) không còn thấy kinh nguyệt hàng tháng. Nghĩ rằng đây là dấu hiệu mãn kinh do tuổi cũng đã cao, bà S. không mảy may suy nghĩ gì.
Tuy nhiên, sau đó 7 tháng, bà S. bất ngờ phát hiện thấy bụng có cảm giác động đậy. Lo sợ tình trạng bất thường, bà S. đến Bệnh viện Quân y 354 (Hà Nội) để thăm khám và bất ngờ được thông báo đã có thai ở tuần thứ 22."Bệnh nhân ban đầu có ý định bỏ thai. Tuy nhiên, qua thăm khám, siêu âm chúng tôi xác định hình thái thai nhi bình thường nên đã phân tích, tư vấn cho sản phụ. Cuối cùng gia đình quyết định giữ thai".