Tết là khoảng thời gian ăn uống không điều độ, nếp sống bị đảo lộn, thời tiết có thể thay đổi thất thường nên sức khỏe dễ bị ảnh hưởng, do đó việc trang bị 5 loại thuốc dự phòng dưới đây là cần thiết.
- Những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc trong gà rán: Dù nấu chín vẫn nguy hiểm
- Ngộ độc thực phẩm dịp Tết, làm gì để phòng tránh?
Bất kỳ bệnh lý nào cũng có thể tấn công con người vào dịp Tết. Tuy nhiên, các bệnh lý sau phổ biến hơn do chế độ ăn uống hoặc ảnh hưởng từ lối sống, thời tiết những ngày đầu xuân.
Do đó, BS Nguyễn Trung Đạo, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn những loại thuốc thiết yếu dịp Tết để sử dụng trong tình huống đột xuất như ban đêm bị ốm hoặc không thể tiếp cận ngay với dịch vụ y tế.
Giảm đau, hạ sốt
Theo vị bác sĩ, đây là loại thuốc cơ bản đầu tiên nên chuẩn bị. Loại thuốc hạ sốt nên sử dụng là acetaminophen (thuốc paracetamol). Thuốc này có nhiều dạng: uống, đặt hậu môn, gói bột pha nước...
Gia đình có trẻ em nên chuẩn bị thuốc dạng bột để pha nước cho trẻ uống hoặc viên nang đặt hậu môn, chủ động dùng thuốc khi người nhà sốt trên 38 độ C.
Liều dùng cho cả người lớn và trẻ em tính theo công thức 10-15mg cho một kg cân nặng, nhân với cân nặng. Ví dụ một người 50kg thì uống được 1 viên 500mg, người 75kg có thể uống 2 viên 500mg.
Thuốc uống cách nhau 4-6 tiếng/lần, một ngày tối đa 5 lần, không dùng quá 4 ngày. Các cơ sở y tế từng tiếp nhận không ít người bị suy gan, ngộ độc gan vì uống thuốc paracetamol quá liều, quá trình điều trị phức tạp, đe dọa tử vong.
Thuốc Ibuprofen, Aspirin có thể sử dụng nhưng cần lưu ý hạn chế dùng trên người có bệnh nền tim mạch, suy thận mạn, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết.
Thuốc xịt mũi họng, nước muối sinh lý
Natri clorid 0,9% nhỏ mắt trong các trường hợp khô mắt, cảm giác khó chịu, dùng để rửa mắt do bụi, rửa trôi các dị vật nhỏ bám vào mắt, làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi. Có thể nhỏ 5-6 giọt/lần hoặc nhỏ nhiều lần trong ngày khi cần thiết.
Các thuốc chống dị ứng
Tết là thời gian các gia đình thường có những chuyến đi xa hoặc về quê và thưởng thức nhiều món ăn khác nhau. Nguy cơ dị ứng với đồ ăn lạ hoặc do thời tiết, thay đổi môi trường sống, côn trùng cắn... cũng từ đó mà gia tăng. Do vậy việc mua thuốc dị ứng về để sắn trong tủ thuốc gia đình mình là rất cần thiết.
Men tiêu hóa
Ngày Tết, thói quen ăn uống thường ngày bị thay đổi rất dễ xảy ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu. Chứng rối loạn tiêu hóa là bệnh thường gặp trong dịp Tết, phổ biến ở trẻ em. Bởi, thức ăn trong ngày Tết giàu đạm, chất béo, ít chất khoáng , ít chất xơ.
Thức ăn dự trữ trong tủ lạnh, nấu đi nấu lại nhiều lần, các loại thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản, bánh kẹo ngọt, nước có ga.. dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, các gia đình nên dự trữ thuốc tiêu hóa đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra.
Thuốc giảm đau dạ dày
Đau dạ dày xuất hiện nhiều ở những người uống nhiều rượu, ăn uống không điều độ. Một số loại thuốc có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng như: thuốc kháng axit, Thuốc ức chế bơm proton (PPIs), Thuốc ức chế thụ thể H2, Sucralfate, Bismuth, Thuốc kháng sinh để tiêu diệt H. pylori, ...
Bên cạnh việc dùng thuốc, duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tránh căng thẳng là những biện pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng này.
Ngoài ra, các vật dụng sơ cứu vết thương như băng cá nhân, gạc vô trùng, kéo nên được chuẩn bị sẵn. Các dung dịch để rửa và sát trùng vết thương có thể mua sẵn gồm: povidon iod (Povidine, Betadine), oxy già và cồn 70 độ.
Các bác sĩ nhấn mạnh, các thuốc trên cần để trong tủ thuốc tránh xa tầm với trẻ em; để ở nơi thoáng mát, tránh nơi có nhiều ánh sáng, ẩm và nóng. Thuốc dành cho người lớn, trẻ em, người đang dùng thuốc bác sĩ kê cần được để riêng biệt, dán nhãn bao bì.
Khi mua thuốc, bác sĩ khuyên người dân nên nhờ tư vấn của thầy thuốc, ghi rõ hướng dẫn cách sử dụng. Chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ vài ngày, nếu triệu chứng không đỡ hoặc kéo dài, cần đi khám.