3 sai lầm nhiều người mắc phải khiến bệnh sốt xuất huyết thêm nặng

Sức khỏe 01/06/2022 07:45

Nhiều người thường nhầm lẫn bệnh sốt xuất huyết với bệnh khác dẫn đến gặp phải sai lầm trong quá trình điều trị bệnh và làm bệnh thêm nặng.

Hà Nội đang bước vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm bắt đầu vào mùa dịch sốt xuất huyết. Theo thống kê của ngành y tế Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 47 ca mắc sốt xuất huyết, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù số ca mắc có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng do thời tiết năm nay có nhiều biến động nên các chuyên gia cảnh báo người dân không nên chủ quan.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, hiện đơn vị đã bắt đầu tiếp nhận một số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Số bệnh nhân không nhiều nhưng đáng cảnh báo là có những trường hợp nặng do mắc sai lầm trong quá trình điều trị bệnh.

3 sai lầm nhiều người mắc phải khiến bệnh sốt xuất huyết thêm nặng - Ảnh 1Nhiều người nhầm lẫn sốt xuất huyết với COVID-19 dẫn đến chậm trễ trong quá trình điều trị bệnh

Sai lầm thứ nhất là nhầm lẫn sốt xuất huyết với các bệnh khác, nhất là COVID-19.

Khi có biểu hiện sốt, nhiều người nghĩ mình bị COVID-19, vì đã tiêm vắc-xin nên nhiều người chủ quan, nghĩ một vài hôm bệnh sẽ khỏi.

Đây là sai lầm nghiêm trọng, bởi một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là tiểu cầu giảm, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, có thể gây chảy máu ở nhiều nơi, trong đó có xuất huyết não, xuất huyết hệ thống đường tiêu hóa, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da… Nguy hiểm nhất là xuất huyết nội tạng, tiên lượng nặng, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.

Sai lầm thứ 2 mà nhiều người mắc phải là cứ nghĩ chỉ mắc sốt xuất huyết 1 lần trong đời, tức là đã mắc bệnh một lần là có miễn dịch và không mắc lại. Điều này không đúng, bởi sốt xuất huyết có nhiều tuýp khác nhau và có thể mắc lại nhiều lần.

Sai lầm thứ 3 trong điều trị sốt xuất huyết là tự ý điều trị bệnh tại nhà. Điều này là rất nguy hiểm vì mắc sốt xuất huyết tiểu cầu giảm nhanh, nếu không đến cơ sở y tế thăm khám, theo dõi và can thiệp thì sẽ rất nguy hiểm.

Do đó, để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết biến chứng nặng, bác sĩ Hường khuyên người dân khi có biểu hiện sốt bất thường thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời và đúng cách.

Dấu hiệu thông thường để nhận diện và phân biệt sốt xuất huyết với COVID-19 gồm:

- Hiên, đa số mọi người đã được tiêm vắc-xin COVID-19 nên nếu chẳng may mắc bệnh thì triệu chứng thường rất nhẹ, sốt nhẹ, thường ở mức dưới 39 độ C, cơ thể hơi uể oải, không đau mỏi nhiều. Hơn nữa COVID-19 có thể test nhanh, nếu âm tính thì cần nghĩ đến bệnh khác, trong đó có sốt xuất huyết.

- Còn bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt rất cao, có người sốt trên 40 độ C. Ngoài ra, người bệnh thường có triệu chứng đau mỏi người, đau cơ, đau đầu dữ dội. Bệnh sốt xuất huyết cần phải lấy máu xét nghiệm mới đưa ra kết quả chính xác. Sốt xuất huyết giai đoạn sau có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, TTYT các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường triển khai thực hiện công tác điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. 

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh nhận biết về bệnh sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt. 

Tuân thủ việc thu dung, điều trị người bệnh theo phân độ tại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế; nghiêm túc báo cáo dịch theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. 

Đặc biệt, trong hoạt động điều trị sốt xuất huyết tại cơ sở y tế: sử dụng dung dịch cao phân tử, Albumin, dịch truyền và các loại thuốc khác đối với người bệnh sốt xuất huyết theo hướng dẫn tại Công văn số 613/KCB-NV ngày 24/5/2022 của Bộ Y tế. Tuân thủ nghiêm túc chế độ thường trực, thường trú theo đúng quy chế để phát hiện, điều trị kịp thời, chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng. 

Đồng thời, củng cố duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. 

Sở Y tế yêu cầu TTYT quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống và chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue tại Công văn số 1869/SYT-NVY ngày 27/4/2022.

Trẻ sốt xuất huyết: Lưu ý từ ngày 3 đến ngày 7 của bệnh nếu không muốn con gặp nguy hiểm

Sốt xuất huyết nặng có thể xảy ra từ ngày thứ ba trở đi, đặc biệt, bệnh dễ trở nặng khi trẻ giảm sốt trong giai đoạn này.

TIN MỚI NHẤT