Tình trạng viêm tụy cấp thường diễn ra đột ngột trong thời gian ngắn và các triệu chứng biểu hiện từ mức độ nhẹ cho tới nghiêm trọng. Khi cơ thể có những biểu hiện dưới đây, cần đi khám ngay kẻo bệnh trở nặng.
- Vì sao trẻ sinh ra bị khuyết tật?
- Thalassemia - căn bệnh khiến trẻ thiếu máu nhưng thừa sắt bẩm sinh
Bệnh viêm tụy cấp là gì?
Theo các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Gan mật tụy, BV Bạch Mai, tuyến tụy vừa có chức năng nội tiết, tiết ra nội tiết tố insulin và glucagon để giữ ổn định lượng đường trong máu; vừa là cơ quan ngoại tiết, tiết ra các men tiêu hóa thức ăn.
Tình trạng viêm tụy xảy ra khi các men tiêu hóa được hoạt hóa trước khi được đổ vào ruột non. Lúc này men tụy sẽ tấn công chính tuyến tụy, gây tổn thương mô tụy, khiến nhu mô tụy bị tổn thương một phần hoặc toàn bộ, đe dọa tính mạng người bệnh.
Tổn thương viêm có thể lan ra các tổ chức cơ quan xung quanh tụy, thường xảy ra sau các bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đạm đặc biệt là sau những lần uống rượu bia. Tình trạng viêm tụy cấp thường diễn ra đột ngột trong thời gian ngắn và các triệu chứng biểu hiện từ mức độ nhẹ cho tới nghiêm trọng.
3 dấu hiệu cảnh báo viêm tụy cấp
Người bị viêm tụy cấp thường gặp một số triệu chứng như:
- Sốt
- Buồn nôn và nôn mửa
- Chướng bụng và đau ở phần trên của bụng lan vào lưng, khi ăn có thể làm bụng đau hơn. Cơn đau của viêm tụy cấp do uống rượu bia thường kéo dài trong vài giờ, biểu hiện đau sẽ tăng đặc biệt khi ăn, nhất là thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc những người mắc bệnh béo phì sau khi thưởng thức bữa ăn thịnh soạn, nhiều thịt và bia rượu.
Ngoài ra, một số người bị viêm tụy cấp còn gặp các triệu chứng khác như: tiêu chảy, bí trung, đại tiện...
Viêm tụy cấp gây ra biến chứng gì?
Người bị viêm tụy cấp do rượu có thể xuất hiện các biến chứng nặng như:
- Sốc nếu xảy ra sớm trong những ngày đầu của bệnh, thường do biến chứng xuất huyết. Nếu do nhiễm trùng, sốc thường xảy ra muộn hơn ở tuần thứ 2 của bệnh.
- Xuất huyết tại tuyến tuỵ, trong khoang bụng, trong ống tiêu hoá hoặc ở các cơ quan xa do men tuỵ làm tổn thương các mạch máu, tiên lượng nặng.
- Nhiễm trùng dẫn đến thành lập ổ áp xe tuỵ và mô hoại tử, tiên lượng nặng.
- Một số trường hợp nang giả tuỵ thường xuất hiện vào tuần thứ 4. Nang cũng có thể tồn tại lâu dài hơn và có thể dẫn đến các biến chứng bội nhiễm khuẩn, áp xe.
Viêm tụy cấp cần được điều trị kịp thời vì có thể tạo ra cơn bão cytokine - phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể khi dịch tụy tràn ra ngoài tụy, đổ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng… Chất độc cũng có thể đi vào máu gây hạ huyết áp, nhiễm trùng huyết, tổn thương các cơ quan bên ngoài ổ bụng.
Viêm tụy cấp hoại tử thường có tiên lượng rất xấu, không ít người bệnh chịu biến chứng nặng nề, diễn tiến suy đa cơ quan và tỉ lệ tử vong cao khoảng 20-50%.
Hầu hết (80%) các trường hợp viêm tụy hoại tử nặng phải điều trị, chăm sóc đặc biệt trong dịp đầu năm tại bệnh viện là nam giới, độ tuổi trung bình từ 30 - 40 tuổi và khởi phát đau sau khi uống rượu bia. Thời gian nằm viện điều trị những bệnh lý này thường kéo dài, có những trường hợp lên tới vài tháng.
Phòng ngừa viêm tụy thế nào?
Lạm dụng rượu bia được xác định là nguyên nhân của 70% trường hợp viêm tụy mạn tính. Đây là tình trạng tổn thương mạn tính không hồi phục của nhu mô tụy, dẫn đến những cơn đau bụng kéo dài, các đợt viêm tụy cấp, ảnh hưởng rất xấu đến chất lượng cuộc sống. Viêm tụy cấp do rượu gây tử vong nhanh chóng nếu diễn tiến nặng.
Cách đơn giản và hiệu quả nhất để kiểm soát cũng như phòng ngừa bệnh viêm tụy cấp đó là thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Mỗi người nên áp dụng những phương pháp sau để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc viêm tụy bao gồm tránh xa bia rượu, đồ uống có cồn; uống nhiều nước mỗi ngày; thực đơn ăn uống lành mạnh, tăng cường chất xơ có trong các loại rau củ quả và ăn ít chất béo; không hút thuốc lá. Quan trọng nhất là cần nhận thức được tác hại của rượu bia mà hạn chế sử dụng loại đồ uống này.