Trầm cảm trong giới trẻ giờ đây không chỉ còn giới hạn ở những người nổi tiếng nữa, nó đang ngày càng lan rộng.
Từ thực tế mắc trầm cảm của nhiều sao Hàn...
Nhắc tới chuyện sao Hàn mắc bệnh trầm cảm hiện nay thì không còn hiếm nữa. Thậm chí, ngay cả những cái tên vô cùng quen thuộc, là thần tượng của giới trẻ, với vẻ bề ngoài luôn mạnh mẽ, vui vẻ..., thế nhưng chính những người đó lại có thể mắc bệnh trầm cảm.
G Dragon (Big Bang): Một chàng thủ lĩnh của nhóm nhạc vô cùng nổi tiếng, với bề ngoài gai góc, mạnh mẽ, thế nhưng G Dragon cũng từng trải qua những ngày khủng khiếp vì mắc căn bệnh trầm cảm. Khi đó, anh trở nên khác thường, né tránh mọi người, rồi không nói chuyện với ai kể cả ba mẹ mình. Anh cứ một mình gặm nhấm sự cô đơn như thế, sự buồn bã, chán nản của anh diễn ra suốt một thời gian dài.
Suzy (Miss A): Vẻ đẹp thánh thiện cùng khả năng ca hát nổi trội đã mang lại cho Suzy sự thành công đáng nể. Tuy nhiên, đằng sau sự thành công đó, cô đã từng trải qua thời gian trầm cảm rất đáng sợ. Suzy cảm nhận được mình đang rơi vào trầm cảm, thế nhưng cô chẳng dám nói với ai mà cứ một mình chịu đựng. Thậm chí đã có lúc cô nghĩ rằng mình không thể... sống đến ngày mai. Thật may là, có một lần, do bị một người bạn trêu chọc, cô bật khóc ngon lành và có lẽ chính điều này đã giúp cô "xả" được những muộn phiền trong lòng, lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
Heechul (Super Junior): Lý do khiến Heechul rơi vào trầm cảm là do người bạn thân nhất (Hankyung) đột ngột rời khỏi Super Junior. Anh đã tự khép mình lại trong thế giới riêng và cũng không xuất hiện trên sân khấu trong vòng 3 tháng liền. Rất may là sau đó, nhờ các thành viên khác động viên nên Heechul đã dần vượt qua.
Trên đây là các trường hợp sao Hàn rơi vào trầm cảm nhưng may mắn vượt qua được. Thế nhưng, vẫn có những người đã ra đi vì căn bệnh nguy hiểm này như Choi Jin Sil, Park Yong Ha, Jung Da Bin...
Có thể thấy, mới chỉ điểm qua thôi nhưng đã thấy ngay được tình trạng trầm cảm trong làng giải trí Hàn không hề hiếm. Nguyên nhân có thể đến từ những cú sốc tinh thần, các thay đổi bất ngờ trong cuộc sống, nhưng phổ biến nhất chính là do áp lực công việc, áp lực cuộc sống tích tụ từ ngày này qua ngày khác.
Cần lưu ý các dấu hiệu của trầm cảm để can thiệp kịp thời
Trầm cảm trong giới trẻ giờ đây không chỉ còn giới hạn ở những người nổi tiếng nữa, nó đang ngày càng lan rộng bởi bản thân nhiều bạn trẻ cũng gặp rất nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng lại không chia sẻ, không được ai đó giúp đỡ...
Trầm cảm gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng tới sức khoẻ và còn là nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử. Vì thế, việc phát hiện và điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết. Trong khi đó, các dấu hiệu của trầm cảm lại rất dễ bị bỏ qua vì rất giống với stress thông thường.
Các dấu hiệu nhận biết của trầm cảm:
- Thích ở một mình, ngại giao tiếp.
- Thích lên mạng, nghiện mạng xã hội, không thích nói chuyện trực tiếp.
- Thường xuyên buồn chán, ủ dột.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.
- Mất tập trung, không muốn làm việc.
- Bi quan, tự cảm thấy bản thân vô dụng hay thấy mình mắc tội lỗi nào đó.
- Dễ nổi nóng, cáu gắt.
- Hay có cảm giác lo âu, bất an...
- Mất ngủ hoặc ngủ rất nhiều.
- Không còn hứng thú với các sở thích của mình nữa.
- Chán ăn hoặc trở nên ăn uống vô độ.
- Nghĩ đến cái chết.
Khi có từ 5 dấu hiệu trở lên, nguy cơ mắc trầm cảm rất dễ xảy ra. Vì vậy, bản thân mỗi người nếu thấy mình hay người bên cạnh có các dấu hiệu này thì hãy nhờ bác sĩ can thiệp ngay. Việc khám bác sĩ tâm lý sẽ giúp chúng ta có các biện pháp phù hợp nhất giúp bản thân vượt qua căn bệnh đáng sợ này. Bên cạnh đó, đừng bao giờ khép mình lại, hãy tâm sự với người mà bạn tin tưởng nhất, họ sẽ giúp đỡ bạn.