Sự trở lại dồn dập của Covid-19 tạo nên không khí tiêu cực trên không gian mạng cả ngoài xã hội. Gạt đi những đám mây đen đó, người ta thấy còn nhiều điều tích cực với hy vọng cho một chiến thắng lần thứ hai trước đại dịch toàn cầu này.
- Thêm 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong
- Nữ công nhân mang thai 35 tuần nhiễm virus SARS-CoV-2 là bệnh nhân số 569
Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông tiến dần vào bờ biển từ Bắc Bộ tới Bắc Trung Bộ. Những cơn mưa cuối hè khiến không khí bớt oi nóng. Mưa thì cứ mưa, “sức nóng” từ điểm dịch Covid-19 tại Đà Nẵng vẫn chưa có dấu hiệu nguội bớt. Các ca tử vong được ghi nhận khiến nhiều người hoang mang. Người dân cả nước quay lại thói quen cũ, ngóng bản tin cập nhật số ca mới trong ngày mỗi 6 giờ sáng và 6 giờ tối. Nhiều người nhìn lên trời mây vần vũ, thấy cả sự ảm đạm của Covid-19.
Giữa một đàn thiên nga trắng, người ta chỉ chú ý tới một chú thiên nga đen. Giữa vô vàn tin tức mùa Covid-19, những tin tức tiêu cực tạo hiệu ứng tốt, chạm tới nỗi sợ của cộng đồng. Nhưng đàn thiên nga trắng vẫn còn rất đông cũng như đằng sau đám mây đen còn le lói nhiều điểm sáng, tại sao cứ phải chăm chăm nhìn vào những điều tiêu cực? Dịch trở lại, không ai có thể phủ nhận những điều tiêu cực nhưng chỉ cần chuyển góc nhìn thôi, bạn sẽ thấy ấm lòng và có niềm tin trong công tác phòng dịch của Chính phủ Việt Nam.
Khoanh vùng dịch: Sớm, hiệu quả và quyết liệt
Đừng chỉ nhìn về con số hàng chục nghìn người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội, Sài Gòn hay khắp các tỉnh thành. Con số hàng chục nghìn không nhỏ nhưng Chính quyền có thể kiểm soát tốt số lượng đó và đã tiến hành xét nghiệm thử Covid trên diện rộng nhanh chóng chỉ sau vài ngày. Khác với đợt bùng dịch đầu tiên với nhiều nguồn lây nhiễm, đợt lây làn cộng đồng này tạm thời chỉ có một nguồn khởi phát, xác định được nguồn lây nhiễm cũng như khoanh vùng dịch sớm.
Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định ngừng tất cả các chuyến bay nhanh chóng ở thời điểm mới có một ca nhiễm bệnh. Con đường đi của bệnh nhân đã được xác định nhanh chóng dẫn đến việc khoanh vùng, cách ly ngay các điểm bệnh viện nơi bệnh nhân 416 có ghé qua. Những con số mắc mới mỗi ngày lớn có thể được diễn giải theo hai cách: Nhìn theo hướng tiêu cực là sự tăng đột biến của bệnh nhân Covid-19, nhìn theo hướng thực tế hơn, số lượng lớn chứng tỏ việc test các trường hợp F0, F1 đã được thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc và hiệu quả.
Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã giúp Đà Nẵng có thể vững vàng hơn trong công tác phòng dịch. Các tỉnh phối hợp với nhau chặt chẽ, những con đường dẫn tới Đà Nẵng được xác lập các chốt chặn để kiểm tra sự di chuyển của người dân ra vào tỉnh. Đà Nẵng mong muốn các tỉnh xung quanh có thể hỗ trợ điều trị bệnh nhân, tránh sự quá tải. Ở những địa phương như Hà Nội và Sài Gòn, công tác khoanh vùng diễn ra quyết liệt; Hà Nội và Sài Gòn đều phong tỏa những khu phố nơi có người nhiễm ngay trong đêm, triển khai test Covid-19 trên diện rộng, đảm bảo sự lây lan trong cộng đồng ở mức tối thiểu.
Việc chưa tiến hành phong tỏa thành phố ngay lập tức là một tín hiệu tích cực. Chúng ta đang làm tốt công tác khoanh vùng để cuộc sống và nền kinh tế giảm thiểu được những tác động tiêu cực từ dịch. Nếu việc kiểm soát khoanh vùng không tốt dẫn tới đóng cửa trên quy mô toàn thành phố, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn và gây ra nhiều tác động tiêu cực như đợt hồi tháng tư.
Vaccine và những điểm sáng
Đợt bùng dịch Covid-19 đầu tháng tư lắng xuống không đồng nghĩa việc dừng các tiến tránh phòng chống, điều trị và tiếp tục các hoạt động nghiên cứu virus. Cuộc đua chế tạo vaccine của Việt Nam có phần “dễ thở” hơn các nước khác khi chúng ta đã có một khoảng thời gian ổn định. Khi tin tức về vaccine phòng chống Covid-19 đang được dần hoàn thiện, thử nghiệm trên động vật và trên người xuất hiện tại ngày càng nhiều quốc gia, người ta có niềm hy vọng vào một cái kết “chắc chắn” hơn với dịch bệnh. Tại Việt Nam, niềm tin vào một sản phẩm “made in Vietnam” cũng lớn hơn mỗi ngày.
Theo thông tin từ website chính thức của bộ Y tế, hiện nay nước ta có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 gồm: Vabiotech, Polyvac, Ivac và Nanogen. Kết quả ban đầu đều được đánh giá là khả quan. Có khoảng 23 vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người và 140 vaccine khác đang được tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đang là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất vaccine. Các hoạt động phát triển vaccine đang được đẩy mạnh với sự hậu thuẫn từ Chính phủ nhằm đảm bảo có thể được mang tới những sản phẩm tốt nhất, sớm nhất để điều trị dịch bệnh.
Tình hình dịch có thể còn kéo dài, ít nhất cho tới khi chúng ta sản xuất được vaccine. Ứng biến trước vấn đề đó, Việt Nam đã và đang tích cực chạy đua với thời gian để sớm hoàn thiện vaccine. Đó là một điểm sáng trong công tác phòng dịch tại Việt Nam khi không phải quốc gia nào cũng đủ tiêu chuẩn và nguồn lực để sản xuất vaccine.
Khi người dân không còn thụ động
Ở những quốc gia thành công trong việc khống chế Covid-19, người dân có ý thức tốt và đồng hành cùng chính phủ trong việc phòng dịch. Dịch bệnh đã lộ ra nhiều vấn đề tại các quốc gia; không chỉ ở những nước nghèo mà cả ở quốc gia giàu có với hệ thống y tế tưởng chừng rất phát triển, đáp ứng được các vấn đề y tế nghiêm trọng. Tại Mỹ, dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu tạm lắng hay suy giảm khi sự chia rẽ trong các vấn đề như “đeo khẩu trang - không đeo khẩu trang”, “ở nhà - mở lại thị trường” vẫn rất lớn. Các chính sách đưa ra vẫn vấp phải sự phản đối của người dân.
Nếu nhìn cộng đồng như một dây xích với nhiều mắt xích, chỉ một mắt xích đứt thì mọi nỗ lực sẽ mất hiệu quả. Từ hình ảnh đó, chúng ta có thể tự tin khi nói rằng, các mắt xích tại Việt Nam đang được kết nối với nhau chặt chẽ. Nói một cách dễ hiểu, khi mỗi người dân trong nước đều nắm được phương pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng xung quanh, không có một mắt xích nào quá yếu hơn so với những mắt xích còn lại, nguy cơ lây lan trong cộng đồng sẽ giảm bớt.
Những thị dân tại Hà Nội hay Sài Gòn, chẳng cần bộ Y tế thông báo, cũng tự động đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên ngay sau ngày đầu tiên Đà Nẵng công bố dịch. Đi xét nghiệm không còn là thứ quá đáng sợ, người dân chủ động đăng ký kiểm tra Covid-19. Đi qua một đợt bùng dịch, người Việt hiểu được giá trị của những ngày “bình thường mới”. Ai cũng mong muốn đợt dịch sớm kết thúc và chỉ bằng cách tự giữ gìn sức khỏe cho bản thân và mọi người xung quanh thì đợt bùng dịch mới này mới có thể kết thúc sớm.
Đối mặt với tin buồn: Thái độ là của mỗi người
Rất khó để có thể chấp nhận việc dịch bệnh Covid-19 có thể dẫn tới các ca tử vong tại Việt Nam khi chúng ta vẫn tự hào về việc “chưa có ca tử vong nào tại Việt Nam sau khi hết đợt bùng dịch đầu tiên”, dù là ca khó như phi công người Anh cũng đã qua khỏi. Sự ra đi của một người là điều đáng buồn cho cá nhân và cộng đồng nhưng khi coi đó là những con số trên bảng biểu số liệu toàn thế giới, ta phải chấp nhận đó là một điều bình thường và phải xảy ra.
Chúng ta không cần phải tích cực khi đối mặt với số liệu ca tử vong do Covid-19 nhưng hãy dần hướng tâm trí tới những vấn đề khác. Thay vì tập trung vào những con số người tử vong như vậy, bạn hãy nhìn vào những sự thật khác quanh con số đấy: Đó là những bệnh nhân với bệnh lý nền nặng, các bác sĩ vẫn đang nỗ lực hết mình để điều trị và rút kinh nghiệm sau mỗi ca tử vong…
Chúng ta không cần nhìn vào Covid-19 với ánh mắt màu hồng; hãy đánh giá tình hình dựa trên sự thật. Và rõ ràng, không có sự thật nào chỉ toàn điều tích cực hay điều tiêu cực. Chỉ là điều quan trọng là ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần gì hơn cho sức khỏe tâm lý cá nhân, cho sự ổn định xã hội. Một khi đã nhìn ra được cả hai mặt của vấn đề, hãy hướng sự chú tâm hơn tới những điều tích cực trong xã hội vì đó là cách để bạn có thể soi chiếu vào tương lai tốt hơn sau dịch bệnh.