"Tiêu tan" khối u ung thư chỉ với 1 mũi tiêm duy nhất: Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam nói gì?

Sống khỏe 14/06/2018 13:35

Thông tin một phụ nữ người Mỹ khỏi ung thư vú di căn nhờ áp dụng phương pháp điều trị ung thư mới đã khiến nhiều bệnh nhân mong chờ phương pháp này được thực hiện ở Việt Nam.

Tiêu tan ung thư nhờ tế bào miễn dịch

Bệnh nhân này là bà Judy Perkins, 52 tuổi, sống tại Mỹ có khối u to bằng quả mận trong gan sau khi ung thư lan ra khắp người và 7 loại hóa trị thất bại.

Sau 2 năm thực hiện liệu pháp miễn dịch thì các u đã hết. Đây được xem là liệu pháp mang tính cách mạng do Viện Y tế Quốc gia Mỹ thực hiện, lần đầu tiên trên thế giới cách điều trị, được gọi là chuyển giao tế bào thích ứng và hy vọng sẽ được sử dụng trên nhiều bệnh nhân hơn trong vòng 5 năm tới.

Các nhà khoa học do Viện Ung thư Quốc gia Mỹ chỉ đạo, đã lấy một khối u từ ngực để xác định "chữ ký" ung thư vú riêng biệt của bà - những đột biến di truyền làm cho ung thư của mỗi người đều khác nhau.

'Tiêu tan' khối u ung thư chỉ với 1 mũi tiêm duy nhất: Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam nói gì? - Ảnh 1

Bà Judy Perkins đã không còn ung thư.

Nhờ phát hiện ra 62 đột biến, họ thấy rằng bà có các tế bào bạch cầu có thể tìm và diệt 4 trong số những đột biến này.

Để tăng cường cho hệ miễn dịch, họ lấy ra vài trăm tế bào T miễn dịch quan trọng và phát triển chúng thành một đội quân 82 tỷ tế bào. Công việc này mất 8 tuần, sau đó các tế bào bạch cầu được tiêm trở lại vào cơ thể để thực hiện công việc của chúng. Nhờ mũi tiêm này mà các khối u đã tiêu tan.

Nói về kết quả nghiên cứu này, Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch hội ung thư Việt Nam cho biết, đây là thông tin mới. Hiện nay, điều trị miễn dịch đang phát triển và là hướng của tương lai đặc biệt là trong ung thư phổi , ung thư bàng quang, ung thư hắc tố nhưng trong ung thư vú còn chưa được thực hiện đại trà mà mới trong nghiên cứu.

Liệu pháp miễn dịch là sử dụng tế bào thường chỉ đang đầu tư thử nghiệm và sử dụng trong ung thư huyết học nhiều hơn. Các ung thư khác vẫn đang thử và với ung thư vú, liệu pháp này vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

Miễn dịch thì có thể là tế bào hay vắc xin. Một số miễn dịch là chốt chặn tế bào ung thư được áp dụng trong ung thư như ung thư phổi, ung thư bàng quang đang nổi nhất. Tại Việt Nam ung thư phổi không thể bào nhỏ, ung thư da đã được ứng dụng ở Việt Nam khoảng 3 – 4 năm trở lại đây.

Theo GS Chấn Hùng các phương pháp điều trị ung thư đang sử dụng hiện nay vẫn là phẫu thuật, xạ trị, hoá trị và nhắm đích. Cả trăm năm nay điều trị ung thư vẫn là phẫu thuật, thuốc là hoá trị bổ sung cho phẫu thuật, một số ung thư huyết học vẫn sử dụng hoá trị. Ngoài ra, xạ trị dùng tia phóng xạ để điều trị,hiện nay máy móc hiện đại nên các tia xạ điều trị hiện quả và các phương pháp đều hỗ trợ nhau.

'Tiêu tan' khối u ung thư chỉ với 1 mũi tiêm duy nhất: Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam nói gì? - Ảnh 2

Khối u ung thư. (Ảnh minh họa)

Đến năm 1998 có liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng thuốc sửa đổi tế bào gen gây ung thư nhưng đa số là các ung thư không mổ, không xạ, không hoá trị được. Còn liệu pháp miễn dịch khoảng 5 năm nay để hỗ trợ các bệnh ung thư khi các phương pháp kia đã nhờn"

Các phương pháp ung thư đều bổ sung phối hợp nhau chứ không thể thay thế nhau. Các phương pháp này sẽ được bác sĩ cân nhắc tuỳ từng giai đoạn để để điều trị, điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, không có phương pháp nào là độc quyền thay thế phương pháp cũ trong điều trị ung thư.

Liệu pháp miễn dịch trong tương lai sẽ cùng với các phương pháp đang thực hiện như hiện nay sẽ giúp các bác sĩ đưa ra được một phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư tốt hơn – GS Chấn Hùng nhấn mạnh.

Bức tranh ung thư vú

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ đặc biệt ở các nước phát triển. Tình trạng gia tăng ung thư vú dường như song hành với lối sống hiện đại.

Các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi trước đây tỷ lệ mắc chỉ khoảng dưới 10/100.000 phụ nữ thì năm 2012 đã lên đến 20-30, các nước ở Nam Âu, Đông Âu, Nam Mỹ vào khoảng 40-60 và Úc, Tây Âu, Bắc Mỹ đạt tới 75-90/100.000.

Tính tỷ lệ chuẩn theo tuổi các quốc gia có tỷ lệ cao trên 100/100.000 phụ nữ bị ung thư vú có thể kể đến như Anh Quốc 124, Mỹ 129,Pháp 120. Nhưng phụ nữ Tây Âu, Bắc Mỹ trên 50 tuổi có tỷ lệ mắc cao đến 150/100.000. Tại Mỹ vào năm 2009 trước 30 tuổi chỉ có 1/227, 30- 40 tuổi có 1/68, 40- 50 tuổi co1/42, 50- 60 tuổi có1/28, và 60-70 tuổi có 1/26 phụ nữ bị ung thư vú.

Người ta tính rằng với tần suất hiện nay 12,4% phụ nữ Mỹ sẽ bị ung thư vú trong cuộc đời họ. Nếu tần suất tăng như hiện nay cứ 8 cháu gái được sinh bây giờ sẽ có 1 cháu bị ung thư vú trong cuộc đời của cháu.

Trước năm 1970 tỷ lệ này là 1/10. Năm 2012 trên toàn cầu có tới 1,68 triệu trường hợp mới mắc và 522.000 người chết vì ung thư vú (trung bình mỗi phút có hơn 3 người mắc và 1 người chết vì căn bệnh này).

Ung thư vú chiếm tới 25% tổng số ung thư ở nữ giới. Tuy tỷ lệ tử vong do ung thư vú được cải thiện rất đáng kể (80-85% bệnh nhân sống quá 5 năm) nhưng tử vong do ung thư vú vẫn đứng hàng đầu trên cả ung thư phổi ở nữ giới.

Tại Việt Nam những thống kê của đầu những năm 2000 tỷ lệ này vào khoảng 16/100.000 phụ nữ thì hiện nay con số này đã là 29/100.000.

5 nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư nội mạc tử cung mà đôi khi con gái không ngờ tới

Có thể đây chính là những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến bệnh ung thư nội mạc tử cung mà bạn chưa từng nghĩ tới.

TIN MỚI NHẤT