Việc triển khai tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) miễn phí cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh/thành phố có nguy cơ trong dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ là biện pháp chủ động phòng bệnh và phòng dịch một cách hiệu quả.
- Bệnh bạch hầu: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao nhất và cách sàng lọc bệnh
- TS Việt tại Mỹ: Bệnh bạch hầu và quá khứ cực kỳ đáng sợ, chỉ có 1 cách phòng bệnh duy nhất
Bạch hầu bùng phát và lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ trong vòng 3 tháng qua, hiện 3 người đã tử vong.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong năm nay, dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) sẽ tiếp tục tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) phòng bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, dự kiến 1.005.583 trẻ.
Trong đó 30 tỉnh đã triển khai năm 2019 sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2020 và mở rộng thêm 5 tỉnh/ thành phố.
Cụ thể 35 tỉnh gồm: Miền Bắc (10 tỉnh/thành phố): Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La và Điện Biên.
Miền Trung (7 tỉnh): Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Tây Nguyên (4 tỉnh): Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Đắk Lắk.
Miền Nam (14 tỉnh/thành phố): TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Vĩnh Long.
Các địa phương trên được lựa chọn dựa trên các tiêu chí: có ổ dịch bạch hầu hoặc ghi nhận trường hợp mắc bạch hầu, uốn ván sơ sinh trong các năm gần đây từ 2016-2019.
"Việc triển khai tiêm vắc xin Td miễn phí cho trẻ 7 tuổi trong TCMR sẽ là biện pháp chủ động phòng bệnh và phòng dịch một cách hiệu quả. Các cháu nhỏ sẽ được củng cố miễn dịch phòng bệnh sau các mũi vắc xin cơ bản đã tiêm trước đó, đồng thời góp phần nâng cao miễn dịch cộng đồng góp phần phòng chống dịch bệnh bạch hầu", bà Hồng nói.
Để phòng bệnh hiệu quả, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy cho con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch đối với vắc xin có thành phần bạch hầu.
Cụ thể: trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần tiêm 3 mũi vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc 1 mũi vắc xin DPT vào lúc 18 tháng.
"Các bậc cha mẹ có thể cho trẻ đi tiêm vắc xin phối hợp 5 trong 1 trong TCMR hoặc vắc xin có thành phần tương tự trong tiêm chủng dịch vụ. Tại các địa phương 35 tỉnh/thành phố nêu trên, trẻ 7 tuổi (học lớp 2) cần được tiêm nhắc vắc xin Td theo thông báo của cán bộ y tế", bà Hồng nhấn mạnh.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để chủ động phòng bệnh bạch hầu hiệu quả các quốc gia cần tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu cho trẻ em với lịch tiêm chủng 6 mũi lần lượt là trước 1 tuổi tiêm 3 mũi, lúc 12-23 tháng tiêm mũi 4, lúc 4-7 tuổi tiêm mũi 5 và khi 9-15 tuổi tiêm mũi 6. Các nước nên sử dụng vắc xin phối hợp uốn ván - bạch hầu giảm liều tiêm nhắc để phòng đồng thời hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng, năm 2019, Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu giảm liều (Td) trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại 30 tỉnh, thành phố nguy cơ cao, đã có gần 700.000 trẻ 7 tuổi được tiêm vắc xin Td.