Thực hư việc nhắm mắt, đứng một chân để phát hiện đột quỵ?

Sống khỏe 12/12/2020 06:30

Sau sự ra đi của nghệ sĩ Chí Tài, trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ thử thách nhắm mắt, đứng một chân để phát hiện đột quỵ. Cách này liệu có đúng?

Mấy ngày nay nhiều trang mạng chia sẻ về thử thách nhắm mắt, đứng một chân mà danh hài Chí Tài từng thực hiện. Theo thử thách này, nếu giữ thăng bằng không tới 20 giây sẽ tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ và thông tin này nhận được nhiều chia sẻ của cộng đồng mạng.

Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS Trần Quang Thắng, Phụ trách khoa Cấp cứu và Đột quỵ, BV Lão Khoa Trung ương cho biết, thông tin nhắm mắt, đứng một chân để phát hiện đột quỵ là không đúng.

Thực hư việc nhắm mắt, đứng một chân để phát hiện đột quỵ? - Ảnh 1

Thông tin nhắm mắt, đứng một chân để phát hiện đột quỵ là không đúng. Ảnh minh họa

Bác sĩ Thắng giải thích: “Theo Tây y, để đánh giá nguy cơ một bệnh nhân có bị đột quỵ hay không phải dựa vào các cơ sở, bằng chứng mang tính khoa học, được công bố ở trong các tài liệu cũng như được thông qua các hiệp hội liên quan đến bệnh đột quỵ như Hội đột quỵ châu Âu, Hội đột quỵ Hoa Kỳ, Hội đột quỵ Việt Nam…

Trong các văn bản, hướng dẫn của các hội đột quỵ bao giờ cũng có phần dự phòng bệnh nhân đột quỵ và trong phần dự phòng không hề có nói đến việc nhắm mắt, đứng một chân phát hiện đột quỵ.

Y học dựa trên bằng chứng, chúng tôi không công nhận những phương pháp mang tính truyền miệng mà phải có hướng dẫn và phổ biến theo các tài liệu chuyên ngành”.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, để nhận biết một người có nguy cơ bị đột quỵ đầu tiên phải xác định bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ hay không.

Mà các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ đó là: Các bệnh lý liên quan đến tim mạch, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý về tim bẩm sinh…

Thứ 2 là phải xem bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của đột quỵ thì sẽ cho phép chúng ta nghĩ nhiều đến bệnh nhân bị đột quỵ.

Và để khẳng định chẩn đoán bao giờ cũng làm các xét nghiệm, chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ. Căn cứ vào kết quả thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ sẽ khẳng định chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ hay không.

Bác sĩ Thắng cho biết thêm, các biểu hiện của bệnh đột quỵ được viết tắt bởi chữ FAST

Face (mặt) - Có xệ mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười không?

Arms (tay) - Một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên không?

Speech (lời nói) - Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?

Time (thời gian) - Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.

Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm:

+ Yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân

+ Giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở một bên mắt

+ Đau đầu dữ dội, đau đầu đột ngột, đau đầu không có nguyên nhân rõ ràng

+ Chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu có kèm với bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác

Bỗng nhiên đau đầu dữ dội, nam thanh niên rơi vào nguy kịch do đột quỵ

Nam thanh niên 27 tuổi bỗng nhiên bị đau đầu dữ dội và đột ngột hôn mê phải vào viện cấp cứu.

TIN MỚI NHẤT