Nghe theo những ý kiến trên mạng xã hội, nhiều người đã áp dụng phương pháp thực dưỡng để chữa ung thư và nhiều bệnh khác bất chấp những khuyến cáo.
- Sự thật việc sử dụng bếp từ dễ gây ung thư
- Nhiều loại thuốc ung thư chào bán trên mạng chưa được Bộ Y tế cấp phép
Theo đó, thời gian qua nhiều diễn đàn mạng xã hội đã liên tục chia sẻ ý kiến cho rằng phương pháp thực dưỡng của GS. Ohsawa theo quy luật cân bằng âm dưỡng có thể giúp chữa khỏi ung thư và nhiều bệnh khác.
Đáng chú ý, trước những lời chia sẻ đó đã có nhiều người áp dụng và mới đây nhất một nữ bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Nội đã tử vong sau 2 tháng ăn thực dưỡng để chữa bệnh ung thư.
Được biết bệnh nhân này bị bệnh đái tháo đường và phải uống thuốc điều trị bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân bỏ thuốc không điều trị và chuyển qua ăn thực dưỡng với gạo lứt, muối mè và sữa hạt. Sau 2 tháng thực dưỡng bằng việc chỉ nhai gạo lứt, uống sữa hạt và ngồi thiền, bệnh nhân giảm 7 kg và phải nhập viện cấp cứu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy kiệt, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Dù được các bác sĩ cấp cứu nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.
Thực dưỡng là phương pháp dưỡng sinh có từ lâu đời
Thực dưỡng Ohsawa, còn được gọi là tắt là thực dưỡng, là hệ thống triết lý và thực hành của Giáo sư người Nhật Bản Georges Ohsawa (1893-1966). Dựa trên nguyên lý Vô Song của nền triết học phương Đông, điển hình là nguyên lý âm – dương, Ohsawa đã sáng tạo phương pháp dưỡng sinh từ thể chất đến tinh thần gọi là thực dưỡng.
Trong cuốn sách của mình, George Ohsawa đưa ra phát biểu về thực dưỡng: "Không có bệnh nào chữa được đơn giản hơn là ung thư bằng cách trở về với việc ăn uống cơ bản và tự nhiên nhất".
Chế độ ăn thực dưỡng là một chế độ ăn khá lành mạnh với 40% - 60% bữa ăn là ngũ cốc nguyên hạt (hữu cơ trồng và nấu tại nhà), 20% - 30% là rau và 5% - 10% đậu, các sản phẩm từ đậu và rau biển. Cùng với đó là 1 lượng nhỏ cá và trái cây theo mùa.
Thịt đỏ, gia cầm, trứng và sản phẩm sữa chỉ được cho phép ăn một lượng rất nhỏ hàng tháng. Còn đường tinh chế, chất làm ngọt nhân tạo, vitamin và bổ sung khoáng chất và các loại khác phụ gia hóa học không được ăn.
"Thực dưỡng chữa ung thư là phương pháp phản khoa học"
Chia sẻ về những ý kiến trái chiều nói trên, PGS. BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: "Xét về khía cạnh khoa học, đây là chế độ ăn tốt cho sức khỏe, có mối liên hệ để phòng ngừa ung thư".
"Khoa học đã có vô số bài viết nói về lợi ích của ngũ cốc nguyên hạt, của cá, các loại hạt, rau quả tươi. Trong khi đó, thịt đỏ được liệt kê vào danh sách thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư, cần phải cực hạn chế trong ăn uống hàng ngày", PGS. TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.
Với phương pháp thực dưỡng, nếu bản thân người bệnh nhận thức đúng rằng ăn uống theo chế độ ăn thực dưỡng sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thì đúng, còn ở khía cạnh ăn kiểu thực dưỡng có chữa khỏi ung thư hay không lại là câu chuyện đến nay còn rất nhiều tranh cãi.
Nhìn nhận ở khía cạnh dùng thực dưỡng chữa được bệnh ung thư, PGS Nguyễn Thị Lâm khẳng định, dùng thực dưỡng chữa ung thư là những phương pháp phản khoa học, không được khoa học chứng nhận.
Cũng theo PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, cho đến hiện nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu và nói rằng, chế độ ăn thực dưỡng có thể chống lại ung thư và triệt tiêu tế bào u xơ.
Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân chữa bệnh theo những cách này dẫn đến kết quả đáng tiếc.
Thực dưỡng thậm chí còn có thể khiến người bệnh ung thư bị suy nhược cơ thể do thiếu dinh dưỡng, dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị.
“Bệnh nhân ung thư nên tuân thủ phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ. Nên ăn thêm chất đạm, kiêng mỡ và hạn chế thịt đỏ”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm nói.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia nhấn mạnh thêm, bệnh nhân ung thư và người nhà bệnh nhân nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ và không nên tin vào những lời quảng cáo trên mạng, nếu không sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.