Thời tiết nắng nóng, sau một ngày làm việc vất vả nhiều chị em thường có thói quen này khi tắm nhưng lại lạm dụng dẫn đến mắc các bệnh phụ khoa mà không hề hay biết.
- Đừng đánh răng ngay sau bữa ăn, nha sĩ khuyên làm việc này tốt hơn nhiều!
- Sức khỏe tuổi già không phụ thuộc vào tập thể thao, 3 nguyên tắc trường thọ này mới là quan trọng nhất
Sau một ngày dài làm việc căng thẳng, nhiều người có thói quen tắm bồn với thật nhiều bọt để thư giãn. Cách tắm này được cho là giúp làm giảm đau nhức cơ, thư giãn tinh thần nhưng lại không tốt đối với phụ nữ.
Tuy nhiên, việc ngâm mình trong bồn tắm nhiều bong bóng có mùi thơm và hóa chất mạnh thậm chí sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng hoặc nhiễm trùng âm đạo, đặc biệt đối với những người đã có nguy cơ bị bệnh phụ khoa.
Ảnh minh họa
Bác sĩ sản phụ khoa, Tiến sĩ Deepa Dewan (Ấn Độ) cho biết, các sản phẩm tắm tạo nhiều bọt thường chứa chất hoạt động bề mặt, là những chất làm giảm sức căng bề mặt của nước, khiến bọt dễ hình thành.
Chúng thường chứa nước hoa, chất dưỡng ẩm và các thành phần khác được thiết kế để nuôi dưỡng cũng như chiều chuộng làn da.
Tắm trong bồn nhiều bọt gây hại cho “cô bé” như thế nào?
Phá vỡ cân bằng pH
Độ pH (tiềm năng hydro) của âm đạo có tính axit tự nhiên, giúp duy trì sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Mức độ pH tiêu chuẩn nhất trong âm đạo là khoảng 3,8-4,5. Bất cứ khi nào môi trường âm đạo vượt qua mức 3,8-4,5 thì các vi khuẩn xấu (tồn tại sẵn trong âm đạo) sẽ phát triển. Hoặc khi độ pH âm đạo giảm, chị em sẽ nhận thấy mùi khó chịu hoặc thậm chí hơi ngứa, đó có thể là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng nấm men hoặc viêm âm đạo do vi khuẩn xâm nhập.
Chuyên gia cho biết, các sản phẩm tắm tạo nhiều bọt, đặc biệt là những sản phẩm chứa chất hoạt động bề mặt và hương thơm mạnh, có thể phá vỡ sự cân bằng độ pH tự nhiên của âm đạo, dẫn đến kích ứng và viêm nhiễm.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
Theo một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Y khoa Đại học Sultan Qaboos, các chất gây dị ứng da được đưa vào vùng sinh dục, chẳng hạn như chất lỏng tắm tạo nhiều bọt, có thể làm thay đổi hệ thực vật âm đạo và cuối cùng dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).
Các thành phần trong bồn tắm bong bóng cũng có thể gây kích ứng niệu đạo, khiến vùng kín của chị em dễ bị nhiễm trùng hơn.
Ảnh minh họa
Các chất hoạt động bề mặt và chất tẩy rửa mạnh trong các sản phẩm tắm tạo nhiều bọt có xu hướng làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da, dẫn đến khô âm đạo và kích ứng ở vùng đó. Điều này thậm chí có thể gây khó chịu khi quan hệ tình dục.
Nhiễm nấm âm đạo
Tiến sĩ Dewan cho biết, tắm trong bồn có nhiều bọt xà phòng có thể góp phần gây nhiễm trùng nấm âm đạo (candida). Nước hoa và chất tẩy rửa mạnh sẽ phá vỡ sự cân bằng độ pH tự nhiên của âm đạo, tạo môi trường thuận lợi cho nấm men phát triển quá mức.
Tiếp xúc kéo dài với độ ẩm, đặc biệt là trong nước ấm, xà phòng, cũng thúc đẩy sự phát triển của nấm men ở vùng âm đạo.
Những điều cần lưu ý khi tắm trong bồn nhiều bọt xà phòng
Nếu có thói quen ngâm mình trong bồn tắm xà phòng, hãy lựa chọn các sản phẩm sữa tắm tạo bọt có công thức đặc biệt dành cho da nhạy cảm hoặc vệ sinh vùng kín. Tốt nhất hãy tìm những sản phẩm không có mùi thơm mạnh và không chứa sunfat.
Tốt nhất, phụ nữ nên giảm tần suất tắm và ngâm mình trong bồn chứa nhiều sữa tắm tạo bọt, hoặc chỉ sử dụng trong thời gian ngắn để tránh gây bệnh phụ khoa. Chuyên gia khuyến cáo thời gian giới hạn cho việc tắm bồn nhiều bọt xà phòng trong khoảng 10 đến 15 phút. Đặc biệt, những người có làn da nhạy cảm hoặc dễ bị nhiễm trùng âm đạo nên lưu ý khoảng thời gian này.
Ảnh minh họa
Sau khi tắm bồn, cần vệ sinh lại vùng kín với nước sạch để loại bỏ bọt xà phòng còn sót lại. Hãy chú ý để đảm bảo tất cả cặn xà phòng được rửa sạch. Lau khô vùng kín bằng khăn sạch và mềm để tránh gây kích ứng vùng da mỏng manh.
Không sử dụng các sản phẩm tắm chứa nhiều bọt cho vùng kín. Dung dịch tắm chứa nhiều bọt chỉ dùng để bôi ngoài da và không nên dùng để làm sạch bên trong âm đạo vì nó có thể phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Đặc biệt, chị em phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt tuyệt đối không ngâm mình trong nước. Khi có kinh, cổ tử cung của người phụ nữ được mở rộng hơn, tắm và ngâm mình trong nước có thể khiến những chất bẩn trong nước xâm nhập vào tử cung, dễ gây viêm nhiễm đường sinh dục.
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng kích ứng âm đạo, khó chịu, tiết dịch bất thường hoặc có mùi hôi sau khi sử dụng sản phẩm tắm tạo bọt, hãy dừng ngay thói quen này và kiểm tra với bác sĩ để điều trị kịp thời các bệnh phụ khoa nếu có.