Ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Vì vậy cần thay đổi thói quen ăn uống để phòng bệnh hiệu quả.
- 3 dấu hiệu cho thấy buồng trứng đang có vấn đề, thậm chí mắc phải ung thư
- 9 dấu hiệu cảnh báo ung thư ở phụ nữ tuyệt đối đừng bỏ qua
Người nào có nguy cơ mắc ung thư đại tràng?
Theo GS.TS Đào Văn Long, Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, có khoảng 95% ung thư đại tràng phát triển từ polyp đại tràng.
Ung thư đại tràng thường bắt đầu lành tính (gọi là polyp). Polyp không phải là u nhưng là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Polyp không phải là ung thư nhưng chúng có thể phát triển thành ung thư sau một thời gian dài.
Những người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng gồm:
- Những người trên 50 tuổi tuổi.
- Người có tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng
- Người tiếp xúc với chất gây ung thư trong môi trường hoặc thói quen ăn uống hay lối sống.
- Đàn ông nhiều nguy cơ bị bệnh hơn so với phụ nữ.
- Người mắc bệnh viêm ruột, bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
- Người mắc bệnh đáo tháo đường đường.
Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại tràng phải kể đến như:
- Hút thuốc lá, đặc biệt là những người đã hút thuốc trong nhiều năm
- Những người thường xuyên uống rượu
- Người bị bệnh béo phì và thừa cân
- Người không hoạt động thể lực.
- Những người có chế độ ăn giàu thịt đỏ, thịt chế biến (xúc xích, giăm bông, thịt hun khói, thịt nướng vv), và ít trái cây và rau.
Các dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư đại tràng
Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng. Chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân.
Giảm cân bất thường: Không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân mà cơ thể đột ngột sút cân thì bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.
Các rối loạn liên quan bài tiết phân: Người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài.
Ung thư đại trực tràng thường khiến người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài. Phân nhày mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.
Phân mỏng, dẹt so với bình thường: Tình trạng phân mỏng do khối u khiến phân bị chặn lại. Nếu phân có kích thước mỏng như một chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa do phải đi qua khối u thì cần đề cao cảnh giác.
Xuất hiện máu trong phân: Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân.
Mệt mỏi và suy nhược: Là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
Ngoài các triệu chứng nêu trên, một số trường hợp phát hiện ung thư muộn còn có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần…
Phòng ngừa ung thư đại tràng bằng cách nào?
Các chuyên gia ung bướu khuyến cáo, việc kiểm tra đại trực tràng thường xuyên (định kỳ mỗi 6 tháng) là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư.
Polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng, có thể được tìm thấy qua nội soi đại tràng vài năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển. Kiểm tra sàng lọc cũng tìm thấy được polyp tiền ung thư và cắt bỏ trước khi nó trở thành ung thư. Và đây được xem là cách phòng bệnh cụ thể nhất.
Bên cạnh đó, ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Vì vậy, cần thay đổi ngay những thói quen ăn uống không tốt dưới đây để phòng ngừa ung thư đại tràng hiệu quả.
- Ăn nhiều thịt đỏ: Các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần.
Dưới hình thức chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư.
Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng. Vậy nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn, hạn chế thịt đỏ để phòng bệnh.
- Ăn ít chất xơ: Đây là thói quen xấu, không tốt cho sức khỏe, nhất là bộ máy tiêu hóa. Nên nhớ rằng, các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ ung thư vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.
- Uống đồ uống chứa cồn: Các loại nước uống chứa cồn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Do đó, cần hình thành thói quen hạn chế rượu, bia và các đồ uống có cồn khác để phòng ung thư đại tràng hiệu quả.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá được biết đến như là những “sát thủ” của bệnh lý tim mạch hay ung thư phổi. Gần đây nó được công nhận là những yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây ung thư đại tràng cho cả hai giới, nhất là khi kết hợp với rượu bia.
- Lười thể dục thể thao: Thói quen lười tập thể dục, thể thao khiến cơ thể mệt mỏi, chức năng vận động của các cơ quan trong cơ thể giảm đi, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục để làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.