Hiện tượng đau bụng kinh vào mỗi kỳ kinh nguyệt từ lâu đã chẳng còn xa lạ gì đối với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, nếu thấy cơn đau kéo dài hàng tháng trời mỗi khi đến ngày đèn đỏ thì bạn tuyệt đối không nên chủ quan bỏ qua mà hãy đi khám ngay.
- Có thể bạn đã mắc bệnh viêm nấm âm đạo nếu gặp phải 6 dấu hiệu bất thường ở vùng kín sau
- Kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang có vấn đề gì?
Đau bụng kinh là hiện tượng đau âm ỉ vùng bụng dưới khi đến ngày kinh nguyệt. Đây là cơn đau ám ảnh của nhiều chị em phụ nữ vào mỗi kỳ "đèn đỏ", ở thể nhẹ thì bụng chỉ hơi đau ê ẩm, thỉnh thoảng quặn từng cơn nên không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nếu tháng nào cũng thấy tình trạng đau bụng kinh xuất hiện nặng nề kèm theo hiện tượng chóng mặt, chân tay run lẩy bẩy, gặp một số vấn đề lạ khi đi đại, tiểu tiện và dịch âm đạo tiết ra không ổn định... thì không nên xem thường vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh phụ khoa tiềm ẩn sau.
Viêm vùng chậu mãn tính
Tình trạng đau bụng quằn quại mỗi khi đến ngày đèn đỏ có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm vùng chậu. Bệnh này thường lây truyền qua đường tình dục, cũng có thể là do u nang bị nhiễm trùng và vỡ ra. Những người mắc bệnh viêm vùng chậu thường gặp phải tình trạng đau dữ dội và không thể khỏi ngay sau đó. Bệnh có thể tái phát vào nhiều thời điểm và dễ trở thành mãn tính nếu không chữa trị từ sớm.
U xơ tử cung
Mặc dù là một khối u lành tính nhưng bệnh có thể gây ra biến chứng ung thư về sau. Thường thì khối u này có thể teo sau sinh hoặc khi bước vào tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của bệnh vẫn là rất cao nếu bạn còn ở trong độ tuổi sinh sản mà bị u xơ tử cung. Ngoài gây ra tình trạng đau bụng kinh dữ dội thì người mắc u xơ tử cung còn có thể gặp phải một số dấu hiệu sau:
- Gặp vấn đề tiểu tiện: bí tiểu, tiểu rắt, suy giảm chức năng thận...
- Gặp vấn đề đại tiện: táo bón, đại tiện ra máu...
- Mất nhiều máu trong ngày có kinh nguyệt, cơ thể mệt mỏi, uể oải...
- Với những người mang thai thì nên cẩn thận vì u xơ có thể chèn ép gây sẩy thai, ngôi thai bất thường hoặc sinh non.
Lạc nội mạc tử cung
Trong tử cung có các lớp mô được gọi là nội mạc tử cung. Khi bước vào ngày có kinh nguyệt, những mô này sẽ bong ra và được đẩy ra ngoài cơ thể. Thế nhưng, đôi khi chúng sẽ đi lạc vào trong khoang bụng, buồng trứng, ruột, trực tràng... rồi bám lại đó và phát triển, từ đó gây nên tình trạng lạc nội mạc tử cung.
Khi các mảnh nội mạc tử cung đi nhầm chỗ và phát triển thì chúng sẽ làm vùng xung quanh dày lên, tạo thành các mô sẹo, gây tổn thương và dẫn đến u nang. Một số người mắc phải căn bệnh này thường không có biểu hiện gì bất thường, nhưng một số người lại gặp phải tình trạng đau bụng kinh dữ dội kèm theo biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi, người run rẩy...
Viêm vòi trứng
Những người bị viêm vòi trứng thường là do mắc u nang buồng trứng hoặc các chứng viêm nhiễm khác. Bệnh khiến cho trứng khó di chuyển qua vòi trứng và thường gây đau nhói mỗi khi tới kỳ rụng trứng.
Ung thư cổ tử cung
Trong giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung chưa có biểu hiện gì rõ rệt. Phải tới khi các tế bào ác tính phát triển và xâm lấn thì bệnh mới bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng như:
- Chảy máu âm đạo bất thường.
- Tiết dịch âm đạo bất thường
- Đau rát sau khi giao hợp.
- Đau vùng chậu, vùng dưới rốn, đau bụng kinh dữ dội...
- Sưng phù chân.
Nếu không phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung thì rất khó cho quá trình chữa trị về sau, thậm chí còn có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.