Nồng độ cồn trong máu cao làm giảm chức năng vùng não tạo ra ký ức và không chuyển mọi khoảnh khắc vào bộ nhớ dài hạn.
- 70% người Châu Á bị đỏ mặt khi uống rượu bia: Cách tránh triệu chứng liên quan ung thư này
- Rượu bia gây ung thư như thế nào khi vào cơ thể?
Reagan Wetherill, giáo sư tâm thần học tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, cho biết hiện tượng này được gọi là mất trí tạm thời gây ra bởi chất cồn trong rượu bia.
Khi nồng độ cồn trong máu tăng lên giảm các chức năng trong vùng hồi hải mã (vùng liên quan đến việc tạo ra ký ức) của não bộ. Đến một ngưỡng nhất định, chất cồn có thể khiến các tế bào thần kinh ngừng hoạt động, những ký ức liên tục và dài hạn của bạn bắt đầu không thể ghi lại được.
Có hai loại mất trí nhớ tạm thời xảy ra khi một người quá say: mất trí phân mảnh và mất trí toàn cục. Mất trí nhớ phân mảnh phổ biến hơn, khi những ký ức mờ nhạt được chia thành những mẩu nhỏ. Nếu tập trung và nghe kể lại những gì xảy ra, bạn có thể nhớ lại được toàn bộ. Mất trí nhớ toàn cục xảy ra khi ký ức không được ghi lại, bạn sẽ không thể nào nhớ lại được những gì đã xảy ra.
"Chất cồn can thiệp chủ yếu vào sự truyền thông tin từ trí nhớ ngắn hạn đến trí nhớ dài hạn, làm nhiễu hoạt động của glutamate, một chất dẫn truyền thần kinh. Từ đó, quá trình ghi nhớ ký ức dài hạn bị phá vỡ", ông Wetherill nói.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, 50% người uống rượu bia từng trải qua tình trạng này. Hiện tượng mất trí nhớ tạm thời thường xảy ra sớm hơn ở phụ nữ vì họ có cân nặng, lượng nước trong cơ thể và enzyme phân giải chất cồn thấp hơn nam giới.
Theo ông Wetherill, không có một mức nhất định để biết chính xác khi nào và uống bao nhiêu rượu bia sẽ khiến bạn mất trí nhớ. Điều này phụ thuộc vào quá trình trao đổi chất và gene của mỗi người.
Mất trí nhớ tạm thời xảy ra khi nồng độ cồn trong máu tăng quá nhanh, có hai cách giúp bạn chống lại là uống ít đi và không uống liên tục. Bên cạnh đó, bạn không nên để bụng đói khi uống rượu bia vì sẽ khiến chất cồn được cơ thể hấp thụ nhanh hơn.