Hoa hòe là vị thuốc quý được trồng phổ biến ở nước ta. Dù đã được chế biến thành các sản phẩm có giá trị và đang bán trên thị trường, nhưng tác dụng của hoa hòe là gì thì không nhiều người biết đến. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu nhé!
- Sử dụng muôi xới cơm hàng chục năm nhưng bạn đã biết những chấm tròn có tác dụng gì chưa?
- Có món nộm quen thuộc vô cùng mà ít người biết những tác dụng "thần thánh" của nó
Hoa hòe hay còn được gọi là hòe hoa mễ, hòe mễ hoặc hòe hoa. Thân cây hoa hòe có chiều cao trung bình từ 7 tới 10m, nhánh nhỏ có màu xanh lục, có hoặc không có lông. Hoa có màu trắng xanh, dài từ 15 tới 30cm, mọc thành từng chùm. Loại cây này sống khá lâu, được trồng nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Thái Bình, mất khoảng 3 – 5 năm mới có thể thu hoạch được hoa.
Hoa hòe có tác dụng gì?
Hoa hòe chứa 6-30% rutozit (rutin) là một glucozit, khi thủy phân sẽ cho ra quexetola hay quexitin C15H10O7, ramnoza và glucoza, có khả năng làm mao mạch gia tăng sức chịu đựng, được sử dụng cả trong Đông y và y học hiện đại, với các công dụng đã được kiểm chứng.
Đặc biệt, trong Đông y, hoa hòe có tính hàn, vị đắng nhẹ, quy kinh can, đại tràng có tác dụng lương huyết, chỉ huyết gây hưng phấn nhẹ, giúp chống viêm, hạ mỡ máu, chống viêm loét và co thắt. Các tác dụng của hoa hòe cụ thể là:
Hạ cholesterol: Tác dụng của hoa hòe giúp giảm lượng cholesterol ở cửa động mạch và trong máu của gan. Với trường hợp bị xơ vỡ động mạch thực nghiệm thì hoa hòe có tác dụng phòng ngừa rất tốt.
Giảm xơ vỡ động mạch: Nhờ vào các tính chất hóa học tốt, hoa hòe có tác dụng giúp giảm nguy cơ mắc chứng xơ mỡ động mạch ở người cao tuổi, người cao huyết áp, đồng thời giúp làm giảm trương lực cơ trơn của đại tràng và chống co thắt.
Tăng cường sức đề kháng: Hoa hòe có tác dụng làm tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm tính thấm của mao mạch, hồi phục tính đàn hồi của mạch máu đã bị tổn thương. Vì thế, người cao tuổi thường hay uống trà hoa hòe để phòng ngừa các loại bệnh thường gặp. Chống tiêu chảy: Uống nước hoa hòe thường xuyên sẽ giúp kích thích niêm mạc ruột sinh chất tiết dịch làm giảm tình trạng tiêu chảy, nhanh chóng cân bằng hệ tiêu hóa đường ruột.
Cầm máu, hạ nhiệt: Nhờ vào các chất chống oxy hóa (gồm glucozo, kaemferol, quercetin). Đặc biệt là chất rutin chiếm 34% hàm lượng trong hoa hòe giúp giảm tính thẩm thấu các mao mạch và tăng cường độ bền các mao mạch từ đó giúp cầm máu hiệu quả.
Hoa hòe chữa bệnh gì?
Hoa hòe có thể trị được nhiều bệnh như: mất ngủ, huyết áp, trĩ, tim mạch…
Hoa hòe chữa mất ngủ
Thực ra, hoa hòe không phải là thảo dược chủ lực trong điều trị bệnh mất ngủ. Nhưng vì nó có vị đắng, tính hơi lạnh nên có tác dụng thanh nhiệt hiệu quả, giúp cơ thể thư giãn hỗ trợ cho người khó ngủ về đêm. Do đó, hoa hòe thường dùng để trị mất ngủ trong các trường hợp bệnh nhân mắc cao huyết áp mà mao mạch dễ vỡ, người mắc bệnh viêm thận, xuất huyết ở phổi mà không rõ nguyên nhân.
Hoa hòe chữa cao huyết áp
Vì trong hoa hòe có chứa rutin giúp tăng cường sức chịu đựng của mạch máu, ổn định hạ huyết áp, phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả. Để hỗ trợ điều trị huyết áp, bạn hãy lấy 20 – 30g hoa hòe khô cho vào ấm, sau đó rót 300ml nước vừa đun sôi vào, rồi đợi khoảng 3 – 5 phút. Khi hoa hòe ngấm nước chìm xuống là có thể dùng được. Một ngày có thể dùng từ 3-4 lần.
Tuy nhiên, khi pha với nước mà hoa hòe chưa chìm xuống điều này có nghĩa là do bạn dùng nước chưa thật sôi. Lúc này bạn nên đun sôi trong vòng 1 – 2 phút, sau đó bắc ra, để nguội bớt rồi uống. Hoặc bạn có thể dùng hoa hòe và hạt muồng (còn gọi là vị thuốc quyết minh tử) sao lên, cả hai lượng bằng nhau, tán bột để dành dùng dần. Mỗi lần dùng 5 gr, ngày dùng 10 - 20 gr hòa với nước ấm để uống.
Vì có tính hơi lạnh, do đó những người tì vị hư hay đau bụng do lạnh, chậm tiêu thì không nên dùng hoa hòe hạ huyết áp. Nếu dùng thì phải phối hợp với các dược liệu khác có tính ấm nóng và thực hiện theo hướng dẫn của thấy thuốc.
Hoa hòe chữa bệnh trĩ
Với trường hợp bị bệnh trĩ, đi ngoài ra máu, bạn có thể dùng hoa hòe sao lên, lấy 10 - 15 gr nấu lấy nước uống. Tuy nhiên không dùng cho phụ nữ có thai. Ngoài ra, bạn cũng có thể lấy hoa hòe 12g, trách bách diệp 12g, kinh giới tuệ 12g, chỉ xác 12g, phơi khô, nghiền mịn để dùng dưới dạng thuốc bột, mỗi lần uống 6 - 8g với nước ấm. Ngày uống 2 - 3 lần. Bài thuốc này không chỉ dùng để chữa bệnh trĩ mà còn chữa các chứng xuất huyết, ứ huyết như đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chấn thương, sưng đau... rất tốt cho sức khỏe của người bệnh.
Ngoài ra, với bệnh trĩ, bạn nên kết hợp thêm biện pháp xông hơi và ngâm rửa bằng thuốc. Bài thuốc xông và ngâm bao gồm: Hòe hoa 20g, chỉ xác 20g, ngải cứu 40g, phèn chua 20g. Bạn cho tất cả các vị vào nồi, cho thêm nước ngập thuốc, bịt miệng nồi bằng lá chuối tươi, đun sôi trong khoảng 10 phút. Sau khi đun xong bắc nồi xuống, chọc 1 lỗ nhỏ cho hơi thoát ra rồi xông nhẹ vào vùng bị trĩ. Xông đến khi nước chỉ còn ấm thì ngâm rửa các búi trĩ bằng chính nước thuốc đó, có tác dụng khử trùng rất hiệu quả.
Đặc biệt, bài thuốc xông và ngâm này còn có tác dụng giảm đau đớn do trĩ gây ra. Chỉ cần áp dụng một thời gian bệnh sẽ có tiến triển tốt và khỏi hẳn.
Hoa hòe trị tim mạch
Nhiều nghiên cứu cho thấy, huyết áp giảm đáng kể khi được tiêm dịch chiết hoa hòe vào tĩnh mạch, giãn động mạch vành. Thêm nữa, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng trên tim ếch cô lập chỉ ra hoa hòe làm kích thích, hưng phấn tim ở mức độ nhẹ. Còn Glucozid của vỏ hoa hòe có tác dụng làm tăng lực co bóp của cả tim ếch cô lập cũng như tại thể.
Do đó, để tốt cho tim mạch, bạn nên thường xuyên uống trà hoa hòe. Đây là một loại trà được rất nhiều người ưa thích bởi hương vị cũng như chính tác dụng mà nó mang lại. Bạn hãy lấy nụ hoa hòe sao vàng nhẹ, sau đó tráng qua nước sôi cho sạch rồi đổ nước này đi. Tiếp đó, cho nước sôi vào ấm trà, đậy nắp tầm 5-7 phút là bạn đã có thể thưởng thức rồi. Để tận dụng hết được hương vị trà cũng như đảm bảo các chất có hoạt tính trong trà đã hòa vào nước, bạn cần phải pha 3-4 lần nước.
Một số lưu ý sử dụng hoa hòe
Những tác dụng của hoa hòe mang lại cho sức khỏe con người là rất lớn, cũng khá phổ biến với mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết khi nào thì không nên sử dụng loại dược liệu này để tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Sau đây là một số trường hợp cần phải cẩn trọng khi sử dụng hoa hòe để trị bệnh:
+ Những người tì vị hư hàn: Hoa hòe cũng có tính hàn. Mà theo quan điểm của Đông Y “Hàn ngộ hàn tắc tử” tức là cơ địa hàn lại dùng thuốc có tính hàn có thể dẫn tới nguy hiểm.
+ Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú: Cần hết sức thận trọng, chỉ dùng nếu có chỉ định của thầy thuốc, để tránh xảy ra hậu khôn lường.
+ Người huyết áp thấp: Mặc dù hoa hòe có tác dụng ổn định huyết áp, tuy nhiên khi bị huyết áp thấp thì phải cẩn trọng. Bởi hoa hòe có tác dụng hạ huyết áp nhanh chóng, có thể gây choáng váng, chóng mặt.
Hy vọng với những thông tin trên đây, đã giúp ích cho bạn phần nào hiểu hơn về hoa hòe, một loại cây thuốc quý rất thân thuộc, với các tác dụng to lớn đối với sức khỏe con người, để sử dụng cho đúng cách.