Stress có thể là nguyên nhân khiến bạn thường xuyên phải đi vệ sinh, làm sao để khắc phục?

Sống khỏe 19/10/2021 02:21

Khi đứng trước một sự kiện quan trọng nào đó, không ít người cảm thấy vô cùng lo lắng và thậm chí buồn đi vệ sinh nhiều lần.

Isaac Tourgeman, nhà tâm lý học thần kinh kiêm phó giáo sư về tâm lý học tại Đại học Albizu ở Florida cho biết, về bản chất, lo lắng có thể kích thích ruột chuyển động, dẫn tới hiện tượng đi ngoài. Dù gây không ít khó chịu, tình trạng này lại hoàn toàn bình thường và rất nhiều người gặp phải.

Khi cảm thấy lo lắng tột độ, hệ thần kinh giao cảm sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra các hormone như adrenaline, cortisol và serotonin. Samantha Nazareth, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại New York giải thích, những hormone này có nhiệm vụ chuyển giao thông tin và các cơ quan sẽ hoạt động để phản hồi lại thông tin nhận được.

Dây thần kinh phế vị, chạy từ não xuống chân, sẽ truyền tín hiệu và báo cho cơ thể biết phải chiến đấu hay bỏ chạy. Tác động từ hormone và dây thần kinh khiến các cơ trong đường ruột co lại, dẫn đến tình trạng tiêu chảy hoặc đột ngột cảm thấy buồn đi vệ sinh. Theo Nicole Beurkens, phó giáo sư, nhà tâm lý học kiêm tác giả của cuốn sách How to Do the Work: Recognize Your Patterns, Heal from Your Past, and Create Your Self, theo thời gian, stress còn có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột, dẫn đến những thay đổi trong chức năng dẫn truyền thần kinh và gây thêm căng thẳng cho não.

Nếu không may gặp phải tình trạng này, bạn có thể thực hiện một số mẹo đơn giản dưới đây:

Hít thở sâu

Stress có thể là nguyên nhân khiến bạn thường xuyên phải đi vệ sinh, làm sao để khắc phục? - Ảnh 1

Hít thở sâu là một trong những phương pháp đơn giản và hiệu quả giúp lấy lại sự bình tĩnh.

Theo nhà tâm lý học Nicole, làm chậm nhịp thở bằng cách hít sâu và kéo dài thời gian thở ra có thể kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm, từ đó giảm các phản ứng khó chịu bạn đang gặp phải. Trong khi hệ thần kinh giao cảm tạo ra phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy, đối giao cảm lại giúp cơ thể lấy lại sự thư giãn.

Trên thực tế, không ít người đã thực hiện các bài tập hít thở khi phải đối mặt với căng thẳng hoặc lo lắng tột độ. Bạn cũng nên chủ động thực hiện việc làm này trong suốt những ngày diễn ra sự kiện lớn nhằm kiểm soát tâm trạng và tránh ruột chuyển động không theo ý muốn.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Nếu biết một sự kiện lớn sắp xảy ra, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống để tránh phải vào nhà vệ sinh thường xuyên. Theo bác sĩ Samantha, hãy hạn chế tiêu thụ các nhóm thực phẩm gây tiêu chảy như sữa, đồ ăn chứa nhiều gia vị như ớt, thực phẩm dầu mỡ, đồ uống kích thích như cà phê và rượu trước ngày diễn ra sự kiện quan trọng.

Đồng thời, bạn cũng nên ăn vừa phải, chia thành các bữa nhỏ để tránh kích thích đường ruột và ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa.

Ăn chậm nhai kỹ

Stress có thể là nguyên nhân khiến bạn thường xuyên phải đi vệ sinh, làm sao để khắc phục? - Ảnh 2

Nếu bạn không thể kiểm soát tình trạng căng thẳng dù đã cố gắng hết sức, hãy cân nhắc hỏi ý kiến của chuyên gia.

Mọi người nên thưởng thức món ăn trong một không gian thoải mái, ăn chậm, nhai kỹ và không để những hoạt động bên ngoài gây mất tập trung.

Trên thực tế, không ít người có xu hướng vừa ăn vừa làm việc để tiết kiệm thời gian. Bác sĩ Samantha đã chỉ ra, nếu trở thành thói quen, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cơ thể và đường ruột.

Sử dụng bạc hà

Trà bạc hà, dầu bạc hà hoặc thậm chí các loại kẹo làm từ bạc hà tự nhiên có thể làm dịu cơn đau bụng do căng thẳng gây ra. Trên thực tế, dầu bạc hà đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một phương pháp điều trị các bệnh về đường tiêu hóa. Theo nhà tâm lý học Nicole, hãy hít một chút dầu bạc hà để xoa dịu cảm giác khó chịu trong đường ruột.

Sắp xếp lại lịch làm việc

Stress có thể là nguyên nhân khiến bạn thường xuyên phải đi vệ sinh, làm sao để khắc phục? - Ảnh 3

Không ít người cảm thấy xấu hổ và bối rối khi buồn đi vệ sinh mỗi khi bị lo lắng tột độ.

Nếu có điều kiện, bạn nên sắp xếp lại lịch làm việc và dành ra chút thời gian để thư giãn tâm trí. Lắng nghe cơ thể là việc làm quan trọng để kiểm soát căng thẳng. Theo bác sĩ Samantha, hãy tập trung vào các hoạt động giúp thư giãn như đọc sách, chơi thể thao, đi dạo trong môi trường thiên nhiên hoặc xem các chương trình truyền hình giải trí.

Súc miệng

Dây thần kinh phế vị chạy qua khu vực sau cổ họng và tác động lớn tới quá trình chuyển đổi giữa hệ thần kinh giao cảm với đối giao cảm. Nhà tâm lý học Nicole cho biết, súc miệng bằng nước khoảng 1-2 lần mỗi ngày là một cách tuyệt vời để kích thích dây thần kinh này và khiến chúng phản ứng nhanh hơn.

Tuy nhiên, mọi người đừng cho rằng việc súc miệng có thể giảm các triệu chứng lo lắng ngay lập tức. Theo nhà tâm lý học Nicole, bạn cần mất một khoảng thời gian để nhận thấy sự thay đổi về khả năng giữ bình tĩnh khi đối mặt với các tác nhân gây căng thẳng.

Kiểm soát thời gian

Nhà tâm lý Isaac cho biết, một số vận động viên đi vệ sinh trước khi thi đấu để tránh gây cản trở lúc chạy. Mọi người cũng có thể áp dụng việc làm tương tự để giảm khả năng ruột chuyển động khi một sự kiện lớn gây căng thẳng sắp diễn ra.

Nhà tâm lý Isaac chia sẻ, căng thẳng dẫn tới buồn đi vệ sinh là hiện tượng khá phổ biến nhưng nếu xảy ra thường xuyên và đi kèm với những triệu chứng đáng bao động như phân lẫn với máu, sốt, đau bụng dữ dội, hãy đi khám càng sớm càng tốt.

(Nguồn: Eatingwell)

5 loại bệnh dễ phát triển vào mùa mưa

Sau các đợt mưa, bão môi trường vệ sinh thường không đảm bảo, các loại bệnh tật, bệnh truyền nhiễm phát sinh mạnh tác động xấu lên sức khỏe con người.

TIN MỚI NHẤT