Máy rửa bát giúp giải phóng sức lao động cho người nội trợ nhưng cũng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu không được vệ sinh, bảo dưỡng đúng cách.
- Vì sao nhiều người gầy vẫn mắc bệnh tiểu đường?
- 7 loại rau 'bơm máu' lên não, ai bị rối loạn tiền đình, hay đau đầu hoa mắt chóng mặt nên ăn nhiều
Nhiều người cho rằng rửa bát là một công việc dễ dàng, không mất nhiều công sức để hoàn thành. Tuy nhiên, thực tế đây lại là việc đòi hỏi sự cẩn thận bởi lúc này các dụng cụ ăn uống sẽ tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa. Nếu rửa không sạch thì xà phòng rửa bát vẫn có thể bám chặt vào bát đĩa, vi khuẩn vẫn xuất hiện nhiều, vô tình gây hại cho dạ dày, thậm chí là ngộ độc...
Đó là lý do vì sao máy rửa bát ra đời và trở thành vật dụng không thể thiếu trong nhiều gia đình, giúp con người đỡ vất vả trong công việc nội trợ, giảm thời gian làm việc nhà, bảo vệ da tay do giảm sự tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa.
Máy rửa bát được đánh giá là tiện lợi hơn, sạch sẽ hơn và an toàn hơn do máy thường sử dụng nước nóng lên đến 70 độ C. Tuy nhiên nhiệt độ nước nóng này không phù hợp với những món đồ bằng nhựa.
Để đồ nhựa vào máy rửa bát - sai lầm không ít gia đình mắc phải
Thông thường khi các gia đình xếp bát vào máy rửa bát và đóng cửa lại, máy sẽ bắt đầu chu trình bằng cách đổ đầy nước vào chậu. Bộ phận làm nóng ở dưới cùng của máy sau đó làm nóng nước. Sau khi xà phòng được thêm vào, một máy bơm sẽ đẩy nước xà phòng nóng qua các cánh tay phun để quay xung quanh trong khoảng 30 phút. Sau khi bát đĩa được rửa sạch, bộ phận làm nóng tương tự sẽ bật lại để làm khô bát đĩa.
Bộ phận làm nóng nói trên đạt đến nhiệt độ từ 105°F đến 155°F (khoảng 40 - 70 độ C), đủ nóng để làm tan chảy một số loại nhựa, thường là polypropylene. Trong trường hợp, các bà nội trợ xếp các hộp đựng thức ăn bằng nhựa có thể tái sử dụng ở giá dưới cùng, thì chúng sẽ ở gần bộ phận làm nóng hơn và có nguy cơ bị nóng chảy cao hơn.
Bên cạnh việc khiến đồ nhựa bị biến dạng, nhựa nóng chảy còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe của các gia đình. Nhiệt độ nước cao có thể khiến các hóa chất độc hại rò rỉ ra khỏi hộp nhựa. Đáng chú ý nhất trong số này là Bisphenol A, hay BPA, có liên quan đến các vấn đề sức khỏe bao gồm bệnh tim mạch và tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Dù hiện nay các loại nhựa không còn được làm bằng BPA vì đã bị cấm sử dụng trong sản xuất bình sữa, bao bì công thức cho trẻ sơ sinh nhưng chúng vẫn có thể xuất hiện ở các sản phẩm bình sữa đã cũ và hộp đựng cơm mang đi. Bất cứ thứ gì có mã nhựa ghi số 7 đều có thể chứa BPA, không nên cho vào máy rửa bát.
Kể cả khi trên các hộp đựng được đánh dấu không chứa BPA và phthalates, người dùng vẫn nên cảnh giác về khả năng rò rỉ hóa chất. Các chất thay thế BPA vẫn gây lo ngại về việc lọc hóa chất, với một số nghiên cứu cho thấy bằng chứng rằng chúng vẫn lọc ra các hóa chất giống như estrogen.
Để chống lại sự rò rỉ hóa chất tiềm ẩn trong các sản phẩm đồ gia dụng nhựa, chuyên gia khuyên các gia đình nên tránh để các hộp nhựa vào máy rửa bát. Nếu muốn thì hãy xếp đồ nhựa ở vị trí cao nhất của máy, không nên để dưới cùng. Tránh chọn các chu trình máy rửa chén như "khử trùng" sử dụng nhiệt độ cao hơn nếu bạn đang rửa nhiều hộp nhựa có thể tái sử dụng trong máy.
Không vệ sinh máy rửa bát thường xuyên
Nina Gunde-Cimerman, giáo sư vi sinh học tại Đại học Ljubljana, Slovenia đã tiến hành nghiên cứu trên 189 chiếc máy rửa bát của các gia đình tại 101 thành phố ở cả 6 châu lục và phát hiện, 62% số thiết bị có nấm trên gioăng cao su ở cửa máy, 56% trong số đó có nấm men đen Exophiala dermatitidis và họ hàng của nó là nấm Exophiala phaeomuriformis. Nguyên nhân khiến các loại nấm mốc sinh sôi và tồn tại trong máy rửa bát là do môi trường ẩm ướt, nhiệt độ cao, nồng độ muối và các chất tẩy rửa đọng lại bên trong thiết bị này.
Đáng nói là loại nấm này có thể chịu được sức nóng, nồng độ muối cao, chất tẩy rửa mạnh và cả nước axit lẫn kiềm. Vì thế, chúng vẫn tồn tại với nhiệt độ 60 - 80 độ C trong máy rửa bát, vẫn sống khỏe dưới tác động của muối và chất tẩy rửa trong máy.
Dù việc tìm ra nấm, vi khuẩn, virus trong thiết bị nhà bếp không quá đáng ngại bởi rủi ro mắc bệnh thấp. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy giảm vẫn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn, nấm mốc.
Để hạn chế nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây bệnh từ máy rửa bát, chúng ta có thể giảm rủi ro bằng cách vệ sinh máy thường xuyên. Cần chú ý làm sạch các lỗ cao su thoát thức ăn và vệ sinh xung quanh cánh tay phun nước, các cạnh viền, cửa và khoang chứa, kể cả những góc khuất hay đọng nước bẩn. Ngoài ra, cần gắp bỏ thức ăn kẹt trong máy để vi sinh vật không có cơ hội phát triển.