Khoảng 90% các dấu hiệu ung thư da xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng như đầu, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân.
- Cẩn thận ung thư da khi chỉ số UV ở TP.HCM liên tục vượt ngưỡng
- Tia cực tím tại Hà Nội ở mức 'nguy hiểm'
Tại bản tin dự báo thời tiết lúc 9h30 sáng 18/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết hôm nay và ngày mai chỉ số cảnh báo tia tử ngoại (UV) có giá trị từ 7-9 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Ở mức độ này, tia cực tím sẽ có nguy cơ gây hại cao với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp nắng nóng gay gắt.
Ung thư da vì chủ quan với nắng
Bác sĩ Lê Thanh Hiền, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, chia sẻ một nam bệnh nhân được phát hiện ung thư da mới đây khi mới 30 tuổi.
Người đàn ông này làm nghề xây dựng, thường xuyên phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời trong khi không che chắn cơ thể và đeo khẩu trang. Bác sĩ khẳng định tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu và kéo dài là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư cho bệnh nhân này. Nam bệnh nhân ung thư có nước da khá đen, trên da có nhiều tổn thương do ánh sáng như nếp nhăn nhiều, đồi mồi, tàn nhang, nám má, da sạm, da nâu đen.
"Ung thư da có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nắng nóng là một trong những nguyên nhân đã được chứng minh gây ra bệnh ung thư da. Ung thư da có 3 loại ung như tế bào đáy, ung thư tế bào gai, ung thư tế bào hắc tố, cả 3 loại đều có liên quan tới tia cực tím”, bác sĩ Hiền cảnh báo.
Kem chống nắng vô tác dụng vì dùng sai cách
Để phòng ung thư da do thời tiết nắng nóng, đặc biệt những ngày gần đây khi nhiệt độ cao kỷ lục, bác sĩ Hiền khuyến cáo người dân hạn chế ra đường làm việc vào khoảng thời gian có ánh nắng cường độ mạnh từ 10-14h. Khi đi nắng, người dân cần phải dùng mũ rộng vành, áo dài, khẩu trang; dùng kem chống nắng đúng cách.
PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay nguyên tắc dùng kem chống nắng, bạn phải dùng đủ liều và bôi kem chống nắng 30 phút trước khi đi ra ngoài. Phần lớn mọi người dùng sai cách nên việc dùng kem chống nắng không tác dụng.
Theo PGS Thường, nhiều người sai lầm khi chỉ bôi kem chống nắng một lần duy nhất vào buổi sáng. Để chống lại tia cực tím, chuyên gia khuyên cứ 2-3 tiếng, người dân cần bôi lại kem chống nắng một lần.
“Bôi kem chống nắng cần thực hiện hàng ngày, như một thói quen. Kể cả trời nhiều mây, tia UV vẫn làm hại da bạn. Vì thế, hãy dùng kem chống nắng hàng ngày, chứ không chỉ dành riêng cho ngày nắng để bảo vệ làn da”, PGS Thường nói.
Ngoài ra, khoảng 90% các dấu hiệu ung thư da xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng như đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân. Do đó, cần chú ý bôi kem vào những vùng này.
Không bôi kem chống nắng cho trẻ
TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, khuyến cáo trẻ em dù mới ở độ tuổi đang chập chững tập đi cũng cần thiết nên sử dụng các loại kem chống nắng để bảo vệ da khỏi bị bỏng và hủy hoại do mặt trời. Trẻ em trên 6 tháng tuổi có thể bôi kem chống nắng trên toàn cơ thể, chú ý tránh bôi vào mắt.
“Tất cả loại kem chống nắng trên thị trường không hoàn toàn giống nhau, do vậy việc lựa chọn đúng loại kem phù hợp cho trẻ là vô cùng quan trọng. Nên lựa chọn loại kem chống nắng giúp bảo vệ da chống lại tác động của cả tia UVA và UVB”, TS Sơn nói.
Theo đó, chỉ số SPF phản ánh mức độ bảo vệ da khỏi tác động của tia UVB và không có tác dụng bảo vệ đối với tia UVA. Kem chống nắng có chứa các thành phần như titanium dioxide và kẽm dioxide có thể bảo vệ da khỏi UVA và UVB.
TS tư vấn cách chọn kem chống nắng:
- Chọn những kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF cao hơn 15. Chỉ số SPF càng cao, khả năng bảo vệ càng tốt.
- Loại kem chống nắng nên có dòng chữ “phổ rộng” (broad spectrum) ở trên nhãn, có nghĩa là bảo vệ da khỏi tác hại của cả 2 loại tia tử ngoại có hại là UVA và UVB.
- Thoa kem chống nắng khoảng 30 phút trước khi ra ngoài
- Ở những khu vực nhạy cảm của cơ thể như mũi, tai, má và vai, nên sử dụng các loại kem chống nắng chứa kẽm oxyd hay titanium dioxide.
- Thoa lại kem mỗi 2-3 giờ, đặc biệt với trẻ khi bị đổ mồ hôi nhiều do tham gia vào các hoạt động ngoài trời hay mỗi khi da trẻ trở nên ẩm ướt do nghịch nước hoặc bơi lội.