Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có cảnh báo về sản phẩm phomai được nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam phát hiện nhiễm E.coli O157:H7.
- Người bệnh được lợi gì khi dùng hồ sơ bệnh án điện tử?
- Top 5 bài yoga tuy đơn giản, dễ tập nhưng giúp trẻ hoá nhan sắc và tuổi thọ hiệu quả nhất
Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin từ Mạng lưới các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về việc sản phẩm phomai nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam phát hiện nhiễm E.coli O157:H7.
Tên sản phẩm: VALENCAY AOC AFFINE HARDY 220G (raw goat cheese): 6 miếng/gói.
Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Bộ Công Thương để thông báo và đề nghị thực hiện kiểm soát đối với lô sản phẩm thuộc cảnh báo nêu trên. Trước thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm có tên và số lô như trong cảnh báo.
Vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) là một loài thường sống trong ruột của người và động vật. Hầu hết các loại vi khuẩn E.coli chỉ gây tiêu chảy tạm thời và thoáng qua, tuy nhiên có một vài loại đặc biệt, chẳng hạn như vi khuẩn E.coli O157: H7, có thể gây nhiễm trùng nặng đường ruột dẫn đến bệnh cảnh nặng hơn với tiêu chảy, đau bụng và sốt.
Nhóm bệnh do E.Coli gây tiêu chảy xuất huyết đường ruột (EHEC) đã được biết từ năm 1982 khi có các vụ dịch viêm ruột xuất huyết xảy ra ở Mỹ do một típ huyết thanh O157:H7 gây ra mà trước đây chưa hề được xác định là căn nguyên gây bệnh đường tiêu hóa. Một số chủngE.Coli trong nhóm EHEC, trong đó có E.Coli O157:H7 có khả năng tiết ra độc tố Shiga được xếp vào nhóm các vi khuẩn E.Coli sản xuất độc tố Shiga (STEC).
E.Coli gây bệnh cho người qua đường tiêu hóa: ăn phải thực phẩm bị nhiễm tác nhân gây bệnh như thịt trâu, bò, dê, cừu, sữa bò chưa tiệt khuẩn; rau, quả... (do nhiễm phân của gia súc, người mang mầm bệnh) hoặc do tiếp xúc trực tiếp với súc vật và môi trường nuôi súc vật bị nhiễm bệnh.
Vi khuẩn này cũng lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường phân - miệng chủ yếu qua bàn tay, đồ vật nhiễm bẩn với phân của người bệnh. E.Coli còn lây truyền qua đường nước: do tiếp xúc hoặc sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, nước ở các bể bơi, khu vui chơi giải trí, sông, hồ bị nhiễm tác nhân gây bệnh.
Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, trung bình 3-4 ngày. Người lớn bị bệnh đào thải vi khuẩn trong phân khoảng 1 tuần. Trẻ em có thể đào thải mầm bệnh qua phân đến 3 tuần.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau quặn bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu từ mức độ ít đến nhiều, kèm theo có thể có sốt hoặc nôn. Bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày. Một số trường hợp tiến triển nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người già).