Trong một số thực phẩm có chứa chất nhạy cảm ánh sáng, nếu ăn hoặc tiếp xúc với các thực phẩm này, sau đó ra nắng sẽ khiến vùng da tiếp xúc đen nhẻm, xuất hiện đốm nâu xấu xí.
- “3 bẩn” là dấu hiệu rõ nét nhất của những người hay ốm đau và tuổi thọ kém: Nếu có dù chỉ 1 cũng phải chấn chỉnh ngay
- "Mắt trái nháy liên quan đến tiền, mắt phải nháy thì gặp tai họa?" - Câu trả lời hóa ra lại có liên quan đến sức khỏe
Da đen nhẻm, nổi các vết đen lốm đốm vì tiếp xúc thực phẩm có chất nhạy cảm ánh sáng
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ, trong quá trình thăm khám bệnh, bác sĩ đã từng gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm da sau khi ra nắng dẫn đến da bị bỏng rát, đen sạm.
Trong đó, có trường hợp một cô gái đi du lịch biển ở Đà Nẵng. Trước đó cô gái này có từng đến quán bar và bị đổ cocktail chứa chanh vào tay. 12 tiếng sau đi tắm biển về vùng da tay bị đổ cocktail lên xuất hiện vệt đỏ da, bỏng rát.
Và 1 tuần sau đó vùng da này bị đen sạm so với các vùng da xung quanh làm cô gái sợ hãi phải tìm đến gặp bác sĩ để thăm khám.
Một trường hợp bệnh nhân khác mà bác sĩ Tâm từng thăm khám cũng vì bị tăng sắc tố do tiếp xúc với chanh trước khi tắm biển. Bệnh nhân đi biển ở Lý Sơn 5 ngày, không có giai đoạn đỏ da trước đó, nhưng tay xuất hiện các vết đen sạm mất thẩm mỹ sau khi đi tắm biển.
Qua thăm khám cho các trường hợp bệnh nhân này, bác sĩ Tâm kết luận họ đều bị viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng (Phytophotodermatitis).
Tức là khi cơ thể tiếp xúc hoặc uống chất nhạy cảm ánh sáng có chứa chất furocoumarin trong đó psoralen và angelicin là hay gặp nhất.
Sau khi tiếp xúc với chất này làm da dễ nhạy cảm với ánh sáng hơn, dẫn đến khi phơi nắng sẽ dễ gây lên đỏ da hoặc bọng nước và gây tăng sắc tố, vùng da có tiếp xúc sẽ bị sạm đen, xuất hiện đốm đen xấu xí.
Đặc biệt là vào mùa hè, khi đi biển, nhất là tắm biển, tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời, khi đó chỉ cần tiếp xúc với những chất nhạy cảm ánh sáng thì da dễ bị xuất hiện phản ứng trên.
Tiếp xúc với thực phẩm nào dễ làm da sạm đen khi ra nắng?
Theo bác sĩ Tâm, những thực vật hay gây ra hiện tượng da đen sạm, xuất hiện các đốm đen khi ra nắng sau khi tiếp xúc bao gồm:
Họ cam: Cam, chanh, cam bergamot (gây ra tăng sắc tố berloque ở những người sử dụng nước hoa chứa tinh dầu của loại cam này).
Họ cà rốt: Cà rốt, cây cần tây, rau thơm Parsley, cải dại, cây thì là, cây dill (giống thì là nhưng ở Châu Âu).
Họ dâu tằm: Cây vả tây.
Họ mao lương hay họ hoàng liên: Hoa mao lương.
Họ cải: Hương mù tạc (hay dùng khi ăn hải sản).
“Khi các thực phẩm này tiếp xúc trực tiếp với da hoặc ăn uống các thực phẩm này thì da dễ mẫn cảm với ánh sáng.
Sau khi tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời sau 30 phút đến 120 phút, bệnh nhân xuất hiện đỏ da, hoặc mụn nước, bọng nước. Sau đó 1 vài tuần xuất hiện tăng sắc tố sau viêm.
Với người da màu, trong đó có type da IV của người Việt Nam, thường không xuất hiện đỏ và mụn nước mà xuất hiện luôn tăng sắc tố.
Những trường hợp này thường 1 - 2 tuần sau khi tiếp xúc với ánh sáng mới xuất hiện đốm đen da” – Bác sĩ Hoàng Văn Tâm chia sẻ.
Và với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng thông thường đa số tự hết sau 1 vài tháng. Với trường hợp dai dẳng hoặc muốn trở về da bình thường nhanh hơn có thể điều trị như tăng sắc tố sau viêm: hydroquinon, corticoid bôi, lột, laser…
Để phòng ngừa tình trạng da đen nhẻm, xấu xí do viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng, vị chuyên gia da liễu này khuyến cáo, trong mùa hè khi đi ra nắng, nhất là khi đi biển, chị em nên tránh tiếp xúc, ăn uống các thực phẩm có chứa chất nhậy cảm ánh sáng kể trên.
Thực hiện các biện pháp chống nắng thật tốt như dùng các vật dụng che chắn nắng, đeo kính, sử dụng kem chống nắng, viên uống chống nắng đùng cách.