Trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra hay không? Có phải trẻ càng nhỏ mắc bệnh thì khả năng lây lan càng mạnh?...
- TP. HCM: Đã có kết quả xét nghiệm của 738/842 người tiếp xúc với 8 ca mắc COVID-19
- 4 tín hiệu cảnh báo sớm ung thư trong lúc uống nước, ít người để ý
Diễn biến dịch COVID-19 trên toàn cầu ngày càng phức tạp. Theo thống kê, căn bệnh viêm đường hô hấp cấp này đã ảnh hưởng đến gần 19 triệu người trên toàn thế giới, con số tử vong lên tới hơn 700.000 người. Tại Việt Nam, sau 103 ngày không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng thì đến ngày 24/7, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 được khẳng định bởi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đã đánh dấu cột mốc bùng nổ dịch lần thứ hai.
Rõ ràng, đại dịch COVID-19 đang đe dọa sự sống còn của nhân loại, đối với mọi lứa tuổi. Vậy bệnh COVID-19 ảnh hưởng như thế nào đối với trẻ em - nhóm đối tượng được cho là có có hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện và ít trải qua những bệnh tật?
Trẻ em là nhóm đối tượng ít chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có được lời giải thích thích đáng cho việc trẻ em là nhóm đối tượng ít bị nhiễm COVID-19. Theo thống kê thì số trẻ em bị nhiễm COVID-19 trên thế giới rất ít. Tại Trung Quốc, Mỹ và châu Âu, chỉ có 1-2% người dưới 20 tuổi nhiễm bệnh.
Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học New England cũng đã cho biết: "Trẻ em có thể có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn hoặc nếu có bị nhiễm cũng thể hiện các triệu chứng cỏ vẻ nhẹ hơn".
Dịch COVID-19: Tại sao trẻ em có triệu chứng nhẹ và tỉ lệ tử vong rất thấp?
Phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm Trường Đại học Yale, Richard Martinello khi trao đổi với tạp chí Business Insider cũng đã nói: "Từ tất cả những gì chúng ta đã thấy và những lý do chúng ta còn chưa rõ, dường như virus chỉ ảnh hưởng đến người lớn".
Theo một nghiên cứu khác của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lớn nhất về trẻ em từ trước đến nay trên 2500 ca nhiễm Covid-19 ở độ tuổi dưới 18 thì thấy chỉ có 73% trẻ có biểu hiện sốt, ho khó thở. Trong khi cùng khoảng thời gian này thì nhóm đối tượng từ 18-64 tuổi có các biểu hiện trên chiếm 93%. Đồng thời, Mỹ cũng cho biết trong tất cả các ca nhiễm Covid-19 chỉ có 1,7% trường hợp là trẻ em, trong khi đó nhóm đối tượng này chiếm 22% dân số của Mỹ.
Trả lời Hãng tin AFP, chuyên gia dịch tễ học Justin Lessler thuộc Đại học Johns Hopkins của Mỹ kết luận rằng ở trẻ em "dường như ít có ca nặng nghiêm trọng dẫn đến tử vong".
Ít bị ảnh hưởng không có nghĩa là trẻ em miễn dịch với virus SARS-CoV-2, chỉ là trẻ em ít có triệu chứng hơn
Không ít nghiên cứu về tác động của bệnh COVID-19 đối với trẻ em đã được thực hiện và đi đến một kết luận tương tự nhau là: Bệnh COVID-19 thường có biểu hiện nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng cụ thể ở trẻ em nên rất khó phát hiện trẻ nào đang mang bệnh.
Theo tạp chí Caixin (Trung Quốc), nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em có xu hướng ủ bệnh lâu hơn và có thời gian phát tán virus dài hơn so với người trưởng thành. Lây nhiễm trong các ổ dịch gia đình là nguyên nhân chính gây bệnh COVID-19 cho trẻ em.
Còn tại bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán, nơi duy nhất được chỉ định chăm sóc các trường hợp trẻ em đã nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm corona ở Trung Quốc, nhiều bệnh nhi cũng được xác nhận là có triệu chứng nhẹ. Theo bà Lu Xiaoxia, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán, hầu hết trẻ em và trẻ sơ sinh khi nhiễm bệnh đều có triệu chứng nhẹ, số ca bệnh nặng chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh đã xác định.
Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia nhận định rằng, so với những chủng virus khác cùng họ corona như SARS thì chủng mới này có xu hướng gây ra những dạng không triệu chứng hoặc rất ít triệu chứng trên trẻ em và thanh thiếu niên. Giáo sư Sharon Nachman, tại Trường Y khoa nhi Renaissance thuộc Đại học Stony Brook gần TP New York (Mỹ), khẳng định rằng ngay khi đã bị nhiễm bệnh thì "trẻ em vẫn khỏe mạnh và không được đưa đến bệnh viện nên không được xét nghiệm tầm soát".
Mặc dù ít có nguy cơ mắc bệnh và không có triệu chứng nhưng nhóm trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi có thể là "vật chủ" lây truyền virus
Theo thông tin kênh Forbes News, 2 nghiên cứu gần đây, mặc dù từ các nơi khác nhau trên thế giới nhưng lại đi đến cùng một kết luận là: virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền từ trẻ em bị nhiễm bệnh và chúng lây lan với tốc độ rất mạnh mẽ. Thậm chí, trẻ em còn có thể được coi là nguyên nhân chính gây ra đại dịch.
Đâu tiên là nghiên cứu của một bệnh viện Nhi Jama Pediatrics, được công bố trên tạp chí Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA). Nghiên cứu do bác sĩ Taylor Heald-Sargent ở Bệnh viện nhi đồng Anh và Robert H.Lurie đứng đầu đã phát hiện ra rằng trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn các trẻ trên 5 tuổi và người lớn. Theo đó, nhóm nhóm trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh có lượng virus gấp 10 - 100 lần so với nhóm trẻ có độ tuổi lớn hơn và người trưởng thành. Theo như nghiên cứu trên, các tác giả đã đưa ra kết luận: "Trẻ dưới 5 tuổi có thể là các vật chủ quan trọng làm lây lan virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng".
Nghiên cứu thứ hai là một cuộc khảo sát nghiên cứu của thành phố Trento ở miền bắc Italy.
Cả 2 nghiên cứu có cùng quan điểm chung rằng trẻ em có sức truyền tải virus một cách mạnh mẽ. Trẻ càng nhỏ, nồng độ virus trong khoang mũi càng cao và khi những đứa trẻ này ho hoặc hắt hơi, la hét, chúng sẽ tạo ra các giọt bắn mang virus vào không khí. Nồng độ virus trong vòm họng của trẻ thậm chí nhiều gần gấp 100 lần so với người trưởng thành, do đó lượng bài tiết virus sẽ vượt quá đáng kể so với người trưởng thành.
Cả 2 nghiên cứu này đều có ý nghĩa quan trọng trước tình hình nhiều quốc gia có dự tính có nên mở lại các trường học trong bối cảnh dịch kéo dài hay không.
Trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra hay không? Có phải trẻ càng nhỏ mắc bệnh thì khả năng lây lan càng mạnh?... Đây vẫn là những vấn đề được các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu và phân tích. Nhưng có một thực tế là nếu Covid-19 chủng mới gây ảnh hưởng đến trẻ em thì có thể dịch bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn ở nhiều khía cạnh bởi bản thân trẻ nhỏ chưa biết cách tự bảo vệ mình bằng các biện pháp đơn giản như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.
Người lớn có thể tự nhận thấy được mức độ nguy hiểm của virus nhưng trẻ em, chúng chưa thể hiểu hết được điều này. Chính vì vậy, bảo vệ trẻ nhỏ trong tình hình xuất hiện dịch là việc của người lớn. Bản thân người lớn thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch là đã giảm nguy cơ lây bệnh cho trẻ nhỏ rồi.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng dịch tốt nhất, người dân cần làm tốt những việc sau:
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi tham gia các phương tiện công cộng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Hạn chế đi đến nơi công cộng, khu vực tập trung đông người. Hạn chế tụ tập khi không cần thiết.
- Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình.