Tập thể dục là một thói quen tốt giúp cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ, nhưng nếu tập sai cách có thể gây hại cho cơ thể. Đặc biệt, với những người bị bệnh thận, việc luyện tập cần lưu ý một số điều để không gây hại cho sức khỏe.
- Gừng độc như thạch tín nếu ăn vào 1 thời điểm trong ngày, nhiều người mắc mà không biết
- Nghệ sĩ Chí Tài qua đời vì đột quỵ mà không ai phát hiện, vậy gặp người đột quỵ cần làm gì
Những lợi ích của tập thể dục
Theo chia sẻ của bác sĩ Đàm Minh Khuê, khoa Nội thận - Miễn dịch ghép, BV Nhân dân 115, người bị bệnh thận nếu tập luyện những bài tập phù hợp với sức khỏe sẽ giúp nâng cao sức khỏe và có nhiều năng lượng hơn.
Khi tập thể dục điều độ, người bệnh sẽ năng động và linh hoạt hơn, giúp thực hiện các công việc hằng ngày một cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra, tập thể dục đúng cách còn giúp:
- Tăng sức bền để giúp người bệnh không cảm thấy mệt khi làm việc nặng.
- Tăng sức mạnh cơ bắp.
- Giúp ổn định huyết áp.
- Làm giảm mỡ máu (cholesterol và triglycerides).
- Ngủ ngon hơn.
- Giúp thân hình thon gọn.
Tuy nhiên, bác sĩ Khuê cũng khuyến cáo, trước khi bắt đầu kế hoạch tập luyện, người bị bệnh thận nên gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe và đưa ra các bài tập phù hợp.
Khi lên kế hoạch tập luyện, người bệnh cần chú ý 4 điều sau:
Loại bài tập: Có thể chọn các bài tập để vận động các nhóm cơ lớn một cách liên tục như đi bộ, bơi lội, đạp xe (trong nhà hay ngoài trời), tập aerobic,… Hoặc có thể chọn các bài tập có cường độ thấp hơn như tập vận động nhẹ tại chỗ cũng rất tốt cho sức khỏe. Cố gắng tập các bài tập nhẹ nhàng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần và tránh nâng các vật nặng khi tập.
Thời gian tập luyện: Đầu tiên nên tập ít nhất khoảng 30 phút mỗi ngày. Sau đó nên nâng thời gian tập lên. Bởi vì 30 phút thường không đem lại nhiều lợi ích. Nếu có thể, nên tăng thời gian tập thể dục lên 45 đến 60 phút mỗi ngày.
Số lần tập luyện mỗi tuần, mỗi tháng: Muốn đạt được hiệu quả tập luyện, cần tập ít nhất 3 ngày trong 1 tuần, và cách ngày, ví dụ như thứ 2 – thứ 4 – thứ 6.
Cường độ tập (tập nhẹ hay tập nặng): Tùy vào sức của mỗi người sẽ có mức độ tập luyện khác nhau, nhưng các bác sĩ có một số lời khuyên như sau:
Không nên tập quá mệt đến mức không nói chuyện được với những người xung quanh (nên tập cùng với bạn hoặc người thân). Sau khi tập xong bạn vẫn cảm thấy khỏe như bình thường là được (nếu tập xong mà vẫn còn mệt kéo dài thì cần giảm cường độ tập luyện trong lần sau).
Cơ bắp sau khi tập không cảm thấy quá đau và vẫn có thể tập trong lần kế tiếp.
Cường độ tập ở mức bạn thấy thoải mái.
Bắt đầu chậm rãi để làm nóng, sau đó tăng dần đến cường độ mong muốn rồi giảm dần khi gần về đến đích. Để cơ thể có thể quen dần từ từ và tránh được chấn thương.
Người bị bệnh thận nên lên kế hoạch tập luyện vào các ngày trong tuần. Tiến hành tập sau khi ăn 1 tiếng trở lên, tránh tập vào thời điểm nóng bức trong ngày. Tốt nhất nên tập nên tập vào buổi sáng hoặc buổi tối, không nên tập luyện trước khi đi ngủ 1 tiếng trở xuống.
Khi nào cần dừng tập luyện
Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe nhưng cần tập đúng cách và dừng đúng lúc. Với những người bị bệnh thận, cần dừng tập luyện khi thấy cơ thể có một trong các dấu hiệu sau:
- Quá mệt mỏi.
- Khó thở
- Đau ngực
- Hồi hộp, tim đập nhanh
- Đau bụng
- Chuột rút
- Choáng váng, xây xẩm
Ngoài ra, người bệnh cũng không nên luyện tập thể dục trong các trường hợp sau:
- Khi đang sốt
- Khi thay đổi lịch chạy thận
- Khi mới thay đổi thuốc
- Khi mới xuất viện
- Khi vừa ăn quá nhiều
- Khi thời tiết quá nóng và khô (nên tập trong phòng có máy lạnh)
- Khi có vấn đề về xương khớp mà khi tập luyện sẽ làm bệnh nặng hơn
Sau khi dừng tập vì các lý do trên, muốn tập luyện trở lại người bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ.