Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Experimental Dermatology, cơ thể con người có thể tiết ra tới 4 lít mồ hôi mỗi giờ để tự làm mát.
- Cô gái 28 tuổi cấp cứu trong tình trạng máu vàng như "mỡ", viêm tụy cấp nặng vì thói quen ăn uống nhiều người trẻ vẫn làm
- Hãy ghi nhớ 11 mẹo ăn uống, 6 mẹo tập luyện, đặc biệt đừng quên 5 lưu ý cuối cùng để sống khỏe suốt mùa đông
Nicolas Pantaleo, bác sĩ gia đình tại Tổ chức y tế Westmed ở Yonkers, New York cho biết: “Đổ mồ hôi là phản ứng tự nhiên của cơ thể để kiểm soát nhiệt độ. Khi da quá nóng, một thông điệp sẽ được chuyển đến não bộ và khiến bạn ra mồ hôi, tự động làm mát bên trong”.
Do đó, mồ hôi rất dễ xuất hiện khi cơ thể đang trong môi trường nóng hoặc tập thể dục. Tuy nhiên, các nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến tình trạng này và đẩy bạn vào những tình huống khó xử. Dưới đây là một số lý do phổ biến dẫn tới đổ nhiều mồ hôi dưới cánh tay (ở nách) và cách khắc phục:
Căng thẳng
Đổ nhiều mồ hôi là hiện tượng bình thường nếu bạn đang bị căng thẳng vì công việc hoặc nhận được tin tức xấu. Trên thực tế, cảm xúc thay đổi khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên một cách nhanh chóng và thúc đẩy tiết mồ hôi. Nói cách khác, căng thẳng và đổ mồ hôi có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Theo bác sĩ Pantaleo, kiểm soát lo âu sẽ giúp cải thiện tình trạng này, đặc biệt là áp dụng các kỹ thuật thư giãn làm giảm bớt căng thẳng như tập yoga hoặc thiền. Nếu có điều kiện, bạn nên sắp xếp lại lịch trình làm việc và dành ra một chút thời gian trong tuần để nghỉ ngơi thư giãn.
Tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi là một tình trạng sức khỏe gây đổ mồ hôi nghiêm trọng. Bác sĩ Pantaleo giải thích, những người mắc chứng tăng tiết mồ hôi thường ra mồ hôi gấp khoảng 4-5 lần so với người khác.
Hiệp hội Chứng tăng tiết mồ hôi quốc tế giải thích, tình trạng này có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý. Các triệu chứng cũng có xu hướng xuất hiện ở bàn tay, bàn chân hoặc nách và các đợt đổ mồ hôi xảy ra ít nhất một lần một tuần.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị chứng tăng tiết mồ hôi, một trong số đó bao gồm việc sử dụng chất chống mồ hôi và tiến hành các thủ thuật như miraDry.
"Mồ hôi máu" - căn bệnh bí ẩn đối với y khoa thế giới, Việt Nam cũng có trường hợp mắc
Một số vấn đề sức khỏe
Theo Hiệp hội Chứng tăng huyết áp Quốc tế, chứng đổ mồ hôi nghiêm trọng có thể do các tình trạng sức khỏe gây ra như bệnh tiểu đường, mãn kinh, cường giáp, tuyến giáp hoạt động quá mức, bệnh gút, viêm khớp dạng thấp hoặc thậm chí ung thư.
Do đó, điều trị các vấn đề sức khỏe này sẽ giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến tăng tiết mồ hôi.
Thực phẩm tiêu thụ
Trên thực tế, tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm nóng nào cũng làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên đáng kể và kích thích tiết mồ hôi để hạ nhiệt. Tuy nhiên, nếu bạn ra quá nhiều mồ hôi khi ăn đồ ăn lạnh, đây có thể là dấu hiệu của hội chứng đổ mồ hôi vị giác, một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường. Mồ hôi có xu hướng xuất hiện ở hai bên đầu, mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể tác động lên não bộ và hệ thần kinh, từ đó gây mồ hôi nghiêm trọng. Các loại thuốc này bao gồm thuốc chống trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như naproxen, opioid, một số loại thuốc kháng sinh và kháng virus, corticosteroid, thuốc chữa tuyến giáp, insulin.
Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc xem xét một loại thuốc mới nếu việc mồ hôi gây khó chịu và ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Theo bác sĩ Pantaleo: “Nếu việc đổ mồ hôi quá mức không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hoặc không phải do một nguyên nhân nghiêm trọng nào đó gây ra, bạn không nhất thiết phải tới bác sĩ để giải quyết tình trạng này.
Trong trường hợp tăng tiết mồ hôi đi kèm với triệu chứng khác như khó thở, tức ngực, tim đập nhanh, đau đầu hoặc chóng mặt, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Đây có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim.