Ngộ độc, tử vong sau ăn tiết canh lợn: Cái chết đã được cảnh báo

Sống khỏe 14/10/2023 10:34

Không ít trường hợp sau khi ăn tiết canh phải trả giá bằng mạng sống. Tuy nhiên, với quan điểm ăn gì bổ nấy nên nhiều người vẫn chủ quan, vô tư với món ăn này.

Thực tế cho thấy nhiều người xem tiết canh lợn là món ăn hấp dẫn, lạ miệng và được ưu chuộng không chỉ nông thôn mà còn cả thành phố. Đáng lo ngại, không ít người chưa hiểu rõ những mối nguy hại từ món ăn này nên vẫn vô tư “ăn tươi nuốt sống”.

Ngộ độc, tử vong sau ăn tiết canh lợn: Cái chết đã được cảnh báo - Ảnh 1
Bất chấp mầm bệnh, nhiều người vẫn ăn tiết canh (Ảnh minh họa)

Nguy hại hơn, nhiều người dân có suy nghĩ lợn do gia đình nuôi, lợn thả rông là lợn sạch. Bởi vậy, họ cho rằng tiết canh từ những con lợn có nguồn gốc an toàn này có thể yên tâm ăn.

Song thực tế, loại lợn nào cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Theo công bố của các cơ quan chức năng, tỉ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn không triệu chứng trong một đàn lợn rất cao khoảng 60 - 100%. Bằng mắt thường quan sát sẽ không thể phát hiện.

Đáng chú ý, ở nhiều vùng nông thôn phần lớn các gia đình đều nuôi lợn. Thường những dịp như hội hè, lễ tết, giỗ chạp người dân thường giết lợn và không thể thiếu món tiết canh.

Không chỉ người hay nhậu nhẹt thích ăn tiết canh, nhiều người không biết uống rượu, thậm chí phụ nữ, trẻ em, người già cũng ưa thích món ăn này. Đây là món ăn hình thành rất lâu trong dân ta nhưng lại là căn nguyên gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm..

Cụ thể, mới đây nhất, sau khi ăn tiết canh lợn, một người phụ nữ ở xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã tử vong, ngoài ra còn 2 người khác cũng đang điều trị, theo dõi tại bệnh viện.

Nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc, theo kết quả ban đầu, nghi do ăn tiết canh lợn có nguồn gốc từ một cơ sở giết mổ trên địa bàn xã.

Qua xác minh ban đầu, ngày 8/10, sau khi mua tiết lợn của một cơ sở giết mổ trên địa bàn xã để đánh tiết canh ăn trưa, chiều cùng ngày, 4 người tại một gia đình có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Đến sáng 9/10, 3 người phải nhập viện điều trị, một trường hợp theo dõi, điều trị tại nhà. Một trong ba trường hợp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tử vong với chẩn đoán ban đầu là do sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn. Hai trường hợp còn lại đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm.

Cùng sử dụng nguồn tiết lợn tại cơ sở giết mổ trên còn có 5 người khác, trong đó, một người phải nhập viện do rối loạn tiêu hóa.

Ngộ độc, tử vong sau ăn tiết canh lợn: Cái chết đã được cảnh báo - Ảnh 2
Bệnh nhân điều trị tại Trung tâm y tế huyện Thái Thụy sau khi ăn tiết canh lợn

 

Hay cách đây không lâu vào tháng 8, khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm (Bệnh viện TW Quân đội 108) tiếp nhận bệnh nhân 45 tuổi nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu nặng. Các xét nghiệm khẳng định bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Khai thác tiền sử trước đó, bệnh nhân có ăn tiết canh và thịt lợn.

Nhờ được chẩn đoán, điều trị sớm, đúng và tích cực ngay từ khi vào viện bằng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, lọc máu liên tục, truyền huyết tương, khối tiểu cầu và các biện pháp điều trị tích cực khác, bệnh nhân đã thoát khỏi "tử thần", khỏi bệnh và ra viện sau 21 ngày điều trị tại Bệnh viện.

Thậm chí, người đàn ông 58 tuổi, ở Thái Nguyên bị co giật, méo miệng, rụt lưỡi không nói được, sau đó gia đình đưa đi cấp cứu và được chẩn đoán sán não do ăn tiết canh lợn.

Đáng nói, dù rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra sau khi ăn tiết canh nhưng không ít người vẫn "nhắm mắt cho qua" để rồi có những trường hợp đã phải đánh đổi cả mạng sống của mình.

Theo các bác sĩ, tiết canh là dùng máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể diệt hết các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt... đang nhiễm bệnh. Ăn tiết canh không đảm bảo có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, nặng có thể chết người.

Để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến.

Không ăn lợn bệnh, chết; thịt lợn sống hoặc tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có các phương tiện phòng hộ.

Dao, thớt, đũa... dùng bao lâu nên thay mới?

Mọi vật dụng trong gia đình đều có hạn sử dụng, kể cả những dụng cụ nhà bếp. Nếu không thay mới kịp thời, một số vật dụng có thể trở thành ổ chứa vi khuẩn.

TIN MỚI NHẤT