Ngăn chặn COVID-19 lây lan: Vì sao cách ly, quản lý F1 là yếu tố then chốt?

Sống khỏe 17/08/2020 15:11

PGS -TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đưa ra các giải pháp tốt nhất trong thời điểm này để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Thần tốc, truy vết các trường hợp F1

Tính đến hôm nay 17/8, Việt Nam ghi nhận 964 ca bệnh nhiễm COVID-19, trong đó chỉ từ ngày 25/7 tới nay, đã có 488 ca nhiễm. Hiện nay ở 1 số tỉnh thành như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương tình hình dịch đang có diễn biến hết sức phức tạp.

PGS -TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội Điều tra, giám sát dịch cho biết, một trong những yếu tố then chốt để cắt đứt đường lây truyền của dịch COVID-19 lây lan là việc cách ly, quản lý chặt những trường hợp thuộc F1.

Ngăn chặn COVID-19 lây lan: Vì sao cách ly, quản lý F1 là yếu tố then chốt? - Ảnh 1

PGS.TS Trần Như Dương.

Nói kỹ hơn về vấn đề này, PGS -TS Trần Như Dương: Như chúng ta đã biết, hiện tại COVID-19 chưa có vacine phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là cắt đứt đường lây truyền, để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng.

Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19. Riêng đối với các trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn.

F1 là chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2 m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng.

Vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.

Chiến lược hiện nay của chúng ta trong chống dịch tại cộng đồng, đó là phát hiện, phát hiện và phát hiện. Cách ly, cách ly và cách ly. Muốn phát hiện sớm không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Và một trong cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là phải truy vết.

Chính vì vậy, việc chống dịch trên mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: “Truy vết F1 một cách thần tốc”. Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1.

Nếu F1 không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, nếu không may để lọt F1 trong cộng đồng, nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán virus.

Lúc đấy, nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình của họ, sau là lây lan ra cơ quan, cộng đồng, các nhóm họp, tập trong đông người. Lúc đó dịch sẽ không ngăn chặn được nữa.

"Chính vì vậy, tôi phải nhắc đi nhắc lại, việc truy vết, cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 là một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng và mang tính chiến lược bắt buộc phải làm" - PGS Dương nhấn mạnh.

F1 tuyệt đối không cách ly ở nhà

PGS.TS Trần Như Dương cho hay, Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà.

Bởi vì, việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút thôi hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra) khi đó nguy cơ gieo rắc virus rất lớn, tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch của chúng ta. Để từ đó lây bệnh ra bên ngoài.

Ngăn chặn COVID-19 lây lan: Vì sao cách ly, quản lý F1 là yếu tố then chốt? - Ảnh 2

Các trường hợp F1 phải cách ly tập trung, không được cách ly tại nhà.

Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, đối với người F1 Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly bắt buộc, tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung. Chính vì vậy mà việc quản lý F1 giữ vai trò rất quan trọng.

Mỗi gia đình là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sỹ

PGS - TS Trần Như Dương cho hay, tinh thần của Chính phủ đó là chống dịch như chống giặc. Đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức đồng lòng của toàn dân, trong đó “mỗi gia đình là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ”. Mỗi người đều phải có trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được sức mạnh to lớn chống lại COVID-19.

Để cùng chống dịch, toàn dân nên tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch của ngành y tế (đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, thực hiện khai báo y tế...).

Đối tượng F1 cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly tập trung. Đây vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ công dân. Quyền lợi là được cách ly theo dõi y tế, được phát hiện ngay, chăm sóc y tế ngay nếu mắc bệnh, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng. Còn nghĩa vụ là mình vào cách ly tập trung, tuân thủ các nội quy cách ly để bệnh không lây lan sang người khác, sang cộng đồng.

Trung Quốc cấp bằng sáng chế đầu tiên cho vắc-xin COVID-19 trong nước

Trung Quốc đã cấp bằng sáng chế đầu tiên cho một vắc-xin COVID-19 được phát triển trong nước, điều này được cho là sẽ nâng cao lòng tin của thị trường quốc tế đối với vắc xin COVID-19 do Trung Quốc phát triển.

TIN MỚI NHẤT