Tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon giấc trong một số trường hợp có thể là nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt.
- Ăn món khoái khẩu nhiều năm, không ngờ mắc loại bệnh gần 20 người đang khốn khổ
- 12 món ăn người trăm tuổi trên đảo trường thọ Hy Lạp thường ăn: 11 trong số đó có sẵn ở chợ Việt
Giấc ngủ kém trước đây được cho là có liên quan đến các vấn đề như béo phì, huyết áp cao, đột quỵ, bệnh tim và chứng mất trí nhớ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thiếu ngủ còn làm tăng nguy cơ phát triển ung thư và mức độ ác tính của ung thư.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thậm chí còn liệt kê tình trạng gián đoạn giấc ngủ là tác nhân gây ung thư "có thể xảy ra" hoặc nguyên nhân gây ung thư, theo Daily Mail.
Thiếu ngủ và nguy cơ mắc ung thư ở nam giới
Mới đây, các chuyên gia cũng đã phát hiện ra nam giới gặp vấn đề về giấc ngủ có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến cao hơn. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và là loại ung thư nguy hiểm thứ 2 trên thế giới.
Ảnh minh họa
Các chuyên gia tại Viện Ung thư Quốc gia Mỹ đã phân tích dữ liệu của hơn 30.000 nam giới Anh, trong đó họ được đeo thiết bị theo dõi để đo chuyển động vào ban đêm và tình trạng gián đoạn giấc ngủ. Không ai trong số những người tham gia bị ung thư tuyến tiền liệt khi bắt đầu nghiên cứu.
Trong thời gian theo dõi khoảng 7,6 năm, có 1.152 người được chẩn đoán có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Kết quả đã phát hiện những người thức giấc từ 30 phút trở lên vào giữa đêm có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt cao hơn từ 15 - 20% trong cuộc sống sau này.
Trong khi đó, những người thức giấc từ 60 phút trở lên thậm chí còn có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
Nguy cơ ung thư đối với phụ nữ thiếu ngủ
Theo Express, đối với phụ nữ, ung thư ruột kết, ung thư tuyến giáp, ung thư vú... là những vấn đề sức khỏe có liên quan đến chứng mất ngủ.
Trong một nghiên cứu được khảo sát trên 75.000 phụ nữ sau mãn kinh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ngủ quá ít (ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi ngày) có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết.
Mặt khác, ngủ quá nhiều (hơn 9 tiếng mỗi ngày) cũng được xác định là một yếu tố nguy cơ của bệnh.
Những phát hiện này tương đồng với kết quả của một nghiên cứu khác được thực hiện trên hơn 142.000 người mắc bệnh ung thư sau mãn kinh. Những người này được phát hiện có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp cao hơn đáng kể nếu họ bị mất ngủ.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, những phụ nữ ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao.
Các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu với 24.000 phụ nữ ở độ tuổi 40 trở lên trong 8 năm về các thói quen ăn, ngủ, nghỉ.
Kết quả cho thấy, những phụ nữ ngủ 6 tiếng hoặc ít hơn có nguy cơ ung thư vú tăng 60% so với những phụ nữ khác. Ngoài ra, những phụ nữ ngủ hơn 9 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị ung thư vú thấp hơn 28%.
Trước đó, theo một cuộc nghiên cứu năm 2008 được đăng trên chuyên san British Journal of Cancer cho thấy phụ nữ ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm dễ mắc bệnh ung thư vú.
Vẫn chưa rõ chính xác mất ngủ đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của ung thư, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết mất ngủ có thể là nguyên nhân của các tình trạng như viêm mãn tính, kháng insulin, giảm melatonin hoặc tăng sản xuất cortisol.
Bác sĩ Kathryn Ruble tại Bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ khuyến nghị người dân nên thực hiện các dịch vụ tầm soát ung thư, bao gồm chụp X-quang tuyến vú, xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng và kiểm tra tuyến tiền liệt nếu như thường xuyên gặp tình trạng mất ngủ.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng mất ngủ, vì vậy, xác định nguyên nhân ban đầu là bước quan trọng để khắc phục tình trạng này.
Lời khuyên chung cho người mất ngủ đó là cố gắng tuân thủ thói quen ngủ đều đặn, cụ thể là đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Tập thể dục trong ngày và thực hiện các thói quen thư giãn trước khi đi ngủ cũng giúp cơ thể khắc phục chứng mất ngủ.