Viêm chân lông là nỗi khổ và nỗi tự ti khiến bạn ngại mặc váy ngắn hay những chiếc áo khoe lưng trần. Sau đây là những cách trị viêm lỗ chân lông tại nhà rất đơn giản và hiệu quả.
- Viêm đường hô hấp ở trẻ em: Cách giúp mẹ xử lý khi con khó chịu
- Bệnh viêm xoang kiêng ăn gì: 7 thực phẩm không nên ăn nếu muốn hết bệnh
Viêm chân lông khá phổ biến và thường xảy ra ở những vùng da như tay, chân, lưng, vùng mọc râu... Tuy viêm chân lông không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại để lộ dấu vết thiếu thẩm mỹ khiến nhiều chị em phái đẹp không tự tin diện áo ngắn hay váy đầm dễ thương, nữ tính.
Hiện tình trạng viêm chân lông không khó để điều trị dứt điểm nhưng phương pháp dân gian chữa viêm chân lông bằng lá trầu không vẫn được biết đến là cách chữa tại nhà nhanh gọn, dễ dàng và ít tốn kém nếu được áp dụng sớm.
1. Các dấu hiệu, nguyên nhân viêm chân lông thường gặp
Viêm chân lông (hay còn gọi là viêm lỗ chân lông, viêm nang lông) là tình trạng viêm nhiễm ở các vị trí lỗ chân lông. Biểu hiện thường thấy là các nốt mẩn đỏ hoặc mụn mủ xuất hiện ở các vị trí này.
Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà viêm nang lông có ngứa không. Thông thường ở mức độ nhẹ ban đầu sẽ không ngứa nhưng sau đó sẽ kèm thêm các triệu chứng châm chích dưới da, khó chịu, đau rát…
Nếu không kịp thời điều trị sớm, các nốt mẩn đỏ hoặc mụn mủ có thể phát triển, lây lan thành một vùng da viêm lỗ chân lông.
Một số sai lầm dễ mắc phải dẫn đến viêm chân lông phổ biến như sau:
+ Lông mọc ngược: Thường gặp ở những người lông xoăn tự nhiên hoặc những người có thói quen nhổ lông, cạo lông quá sát chân lông khiến lông mới mọc ra cứng hơn, mọc chéo và mọc ngược vào trong da.
+ Cạo râu không đúng cách: Nếu cạo râu ngược chiều lông mọc, cạo râu khô, không vệ sinh dao cạo, không chăm sóc da sau khi cạo râu… đều có thể gây ra tình trạng viêm lỗ chân lông vùng da đó.
+ Thường xuyên mặc quần áo bó chật, ma sát vào da: Vì quần áo ôm sát vào da sẽ khiến vi khuẩn và mồ hôi tích tụ và bị kẹt lại dưới da.
+ Đổ mồ hôi nhiều: Mồ hôi chính là một trong những môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, sinh sôi nên nếu đổ mồ hôi nhiều mà không vệ sinh sạch sẽ thì rất dễ bị viêm chân lông.
+ Sử dụng các sản phẩm gây kích thích nang lông hoặc gây bí tắc lỗ chân lông: Các sản phẩm dễ kích ứng da, có thành phần chứa dầu khoáng hay quá đậm đặc đều có thể là nguyên nhân viêm nang lông.
+ Do da bị tổn thương, bị nhiễm trùng do vi khuẩn, hệ miễn dịch suy yếu…
+ Khí hậu nóng ẩm cao, nguồn nước ô nhiễm, bụi bẩn… cũng góp phần gây bít tắc, viêm nhiễm lỗ chân lông.
2. Cách chữa viêm chân lông bằng lá trầu không
Ở mức độ nhẹ, khi tình trạng viêm chân lông nổi mẩn đỏ, hơi ngứa, chưa hình thành mụn mủ dễ lây lan thì các nguyên liệu thiên nhiên có tính sát trùng cao như lá trầu không sẽ là giải pháp nhanh gọn và dễ dàng áp dụng ngay tại nhà.
Lá trầu không vốn có vị cay, tính nồng, trong thành phần có hợp chất thực vật giúp giảm ngứa, giảm viêm và sát trùng. Khi điều trị viêm chân lông thì nên chọn những lá trầu không còn tươi, không sâu bệnh, không quá già hoặc quá non và thực hiện theo những cách đơn giản mà hiệu quả sau:
- Kết hợp lá trầu không với muối để ngâm rửa
Muối là nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp mỗi gia đình và cũng có tác dụng sát khuẩn, chống viêm nên cách chữa viêm chân lông kết hợp hai nguyên liệu này sẽ giúp đẩy lùi mẩn đỏ và ngứa ngáy khó chịu.
Cách thực hiện:
+ Chuẩn bị một ít lá trầu không, sau đó rửa sạch.
+ Đun sôi lá trầu không đã rửa sạch với khoảng 2 lít nước trong 10-15 phút.
+ Sau đó cho nước lá trầu không ra thau và hòa với một thìa muối, khuấy đều.
+ Đợi nước đã pha âm ấm thì bắt đầu ngâm hoặc rửa vùng da bị viêm lỗ chân lông.
- Tắm với nước lá trầu không
Tắm bằng nước lá trầu không vừa có tác dụng giảm ngứa, chống viêm ở vùng viêm chân lông, vừa giúp cơ thể điều tiết mồ hôi, sát khuẩn. Cách này hiệu quả với những ai có dấu hiệu viêm lỗ chân lông vùng ngực, lưng khó bôi thuốc, ngâm rửa.
Cách thực hiện:
+ Chuẩn bị một nắm lá trầu không, rửa sạch.
+ Đun sôi nấu lấy nước trong khoảng 30-40 phút cho nước hơi sắc lại.
+ Lọc lá trầu không ra.
+ Pha nước sắc lá trầu không với nước thông thường và dùng để tắm mỗi ngày cho đến khi hết viêm chân lông.
Có thể giữ lá trầu không đã lọc ra để chà xát nhẹ lên vùng da bị viêm giúp hiệu quả cao hơn.
- Thoa nước cốt trầu không lên da
So với nước nấu từ lá trầu không để ngâm rửa hay tắm, nước cốt lá trầu không có khả năng kháng viêm và sát trùng mạnh hơn nên chỉ thoa lên chỗ bị viêm, tránh thoa tràn lan sang vùng da khác.
Cách thực hiện:
+ Rửa sạch lá trầu không, sau đó để ráo
+ Giã hoặc xay nhuyễn lá trầu không đó rồi vắt lấy nước cốt
+ Thoa nước cốt lên vùng da bị viêm đều đặn 2-3 lần/ngày cho đến khi chữa viêm chân lông bằng lá trầu không đạt hiệu quả như mong muốn.
- Đắp mặt nạ lá trầu không lên vùng da viêm chân lông
Cách này thích hợp cho những người có dấu hiệu nổi mụn sưng đỏ và đau rát.
Cách thực hiện:
+ Chuẩn bị lá trầu không và rửa sạch.
+ Giã hoặc xay nhuyễn lá trầu không rồi đắp một lớp mỏng che phủ phía trên vùng bị viêm chân lông trong khoảng 20 phút.
+ Sau đó, rửa sạch lại với nước.
3. Những điều nên tránh khi dùng lá trầu không trị viêm chân lông
Cách chữa viêm chân lông bằng lá trầu không ít tốn kém, nhanh gọn và dễ thực hiện nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì. Để đạt kết quả tốt nhất, nên lưu ý tránh những điều sau:
+ Nguyên liệu lá trầu không phải đảm bảo sạch sẽ, không sâu bệnh hay nhiễm hóa chất để tránh tình trạng viêm nhiễm nặng nề, khó điều trị hơn.
+ Cách điều trị viêm lỗ chân lông chỉ có tác dụng đối với những trường hợp viêm chân lông nhẹ đến trung bình. Trong trường hợp bị viêm nặng, bị sưng đau, chảy mủ thì nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
+ Hạn chế mặc trang phục bó sát, không thấm hút mồ hôi. Nên tắm rửa kỹ càng, tránh chà xát, kì cọ quá mạnh dễ làm tổn thương da.
+ Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, khô ráo
+ Không đắp lá trầu lên vùng da bị tổn thương, bị trầy xước
+ Nếu có dấu hiệu dị ứng lá trầu không thì nên ngưng áp dụng cách chữa này và tìm đến bác sĩ chuyên khoa.
+ Tránh dùng tay gãi ngứa hoặc chạm lên da quá nhiều khiến da có nguy cơ bị nhiễm trùng, lay lan rộng ra các vùng khác.
+ Nên làm sạch vùng da vị viêm bằng nước ấm trước khi ngâm rửa, tắm hoặc thoa nước lá trầu không nhằm giúp giãn nở lỗ chân lông, hấp thu tinh chất tốt hơn.
+ Tình trạng viêm chân lông sẽ giảm bớt phụ thuộc vào cơ địa, tình trạng da và cách áp dụng của mỗi người nên cần có sự kiên trì, thực hiện đúng cách để đạt hiệu quả cao nhất.
Như vậy, chữa viêm chân lông bằng lá trầu không là cách chữa dân gian nhanh gọn và dễ dàng để dẹp bay những nốt viêm lỗ chân lông khó ưa. Nên chú ý chăm sóc bản thân và có cách chữa trị kịp thời, tránh để tình trạng viêm chân lông quá nặng làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và thời gian để điều trị. Bên cạnh đó, nên phối hợp cách chữa viêm chân lông bằng lá trầu không với các sản phẩm bôi phù hợp để chị em phái đẹp luôn tự tin, rạng rỡ mỗi khi ra đường.