Em quan hệ tình dục không dùng bao cao su, sau đó mới biết người ấy nhiễm HIV. Em phải làm sao thưa bác sĩ? (Kiên, 24 tuổi).
Trả lời:
Về mặt lý thuyết, khi có sự tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch tiết của cơ thể người có HIV thì mới có nguy cơ lây nhiễm. Khi quan hệ với một người bị nhiễm HIV, khả năng lây bệnh sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như cường độ quan hệ, mức độ trầy xước do quan hệ gây ra, mức độ viêm nhiễm, lượng virus HIV trong tinh dịch, người bị nhiễm HIV đang ở giai đoạn nào, vì càng ở giai đoạn sau thì khả năng lây càng cao.
Em cũng chưa nói rõ tình trạng của mình, quan hệ với đối tác bao lâu rồi, trong khi quan hệ có xảy ra trầy xước gì hay không... nên khó đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên khi đã quan hệ với người nhiễm HIV thì em cần liên hệ trung tâm HIV - AIDS tiến hành làm các xét nghiệm kiểm tra để có phương án điều trị thích hợp, càng sớm càng tốt.
Sexually transmitted diseases - STDs, chỉ các bệnh lây qua đường tình dục. Các mầm bệnh như vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng từ người này sang người khác lây qua đường quan hệ tình dục. Các hành vi tình dục được hiểu bao gồm giao hợp âm đạo, quan hệ bằng hậu môn hoặc bằng miệng.
Em cần lưu ý quan hệ tình dục an toàn. Bao cao su là phương pháp phổ biến nhất để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng bạn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn nếu quan hệ với nhiều đối tác.
Ngoài ra, tránh quan hệ tình dục khi đang sử dụng chất kích thích. Rượu, bia và các chất kích thích khác có thể làm giảm sự kiềm chế của bản thân, dẫn đến nguy cơ quan hệ tình dục với đối tác lạ, thậm chí không quen, nguy hiểm tới sức khỏe bản thân.