Vì muốn kéo dài tuổi thọ cho chiếc điện thoại của mình nên Feifei (Trung Quốc) đã dán cho nó một loại kính cường lực nhằm bảo vệ bề mặt. Tuy nhiên, cô không ngờ đây cũng chính là nguyên nhân gây ra khối u thần kinh phát triển ở ngón tay, khiến cô đau nhức nhiều tháng trời.
- Nhận diện 6 dấu hiệu ‘giết người thầm lặng’ của bệnh cao huyết áp, trong đó có 1 dấu hiệu thường xuyên xuất hiện nhưng lại dễ bị bỏ qua
- Không rượu bia, không thuốc lá nữ quản lý 33 tuổi qua đời vì ung thư dạ dày, bác sĩ cảnh báo 3 thói quen hàng ngày gây hại
Feifei là một phụ nữ 35 tuổi sống tại Trung Quốc, vào kỳ nghỉ tết vừa qua, cô được chồng tặng cho một chiếc điện thoại thông minh với màn hình cảm ứng "xịn sò". không những thế, anh chồng còn chu đáo dán sẵn cho cô một miếng dán cường lực để tránh việc rơi rớt làm hư hại điện thoại. Feifei rất vui vẻ và vô cùng nâng niu món quà đó.
Hàng ngày, cô sử dụng rất cẩn thận, tránh để nó bị trầy xước hay móp méo gì. Nhưng cách đây không lâu, sau khi nhận được một cuộc gọi, Feifei vô tình làm rơi điện thoại xuống đất. Sau khi cầm lên kiểm tra thì phát hiện màn hình có vẻ như bị vỡ nhưng khi dùng khăn lau qua một lượt thì thấy nó vẫn sử dụng được bình thường, không có đốm đen hoặc các vấn đề khác trên màn hình.
Không để ý nhiều Feifei tiếp tục sử dụng chiếc điện thoại như bình thường. Tuy nhiên, trong một lần sử dụng, Feifei đã bị mảnh vỡ của chiếc điện thoại đâm vào tay, khiến cô cảm thấy đau nhói và chảy máu. Cứ ngỡ chỉ là vết đứt thông thường, Feifei tự sơ cứu và xem như chưa có gì xảy ra.
Nhưng kỳ lạ, nhiều ngày sau đó khi vết thương đã lành hẳn nhưng cô vẫn cảm thấy đau nhói mỗi khi chạm vào vị trí bị thương. Feifei đi khám ở bệnh viện gần nhà nhưng vẫn không phát hiện ra vấn đề. Tuy nhiên, sự đau nhức này ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của Feifei, cô quyết định tìm đến Khoa Chỉnh hình của Bệnh viện đầu tiên thuộc Đại học Chiết Giang để điều trị dứt điểm.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán rằng ngón tay của Feifei có khả năng cao là bị mảnh cường lực đâm vào quá sâu bên trong. Ngày 15/3, bác sĩ tiến hành phẫu thuật mổ ngón tay cái bên phải Feifei.
Kết quả tìm thấy sự tăng sản cục bộ giống như u thần kinh, cắt mô sẹo thì xuất hiện các mảnh có màng cứng bao quanh. Kích thước của các mảnh này khoảng 5x2mm và phần sâu nhất bị "mắc kẹt" trên xương.
Cách mảnh vật thể này được xác định là mảnh kính cường lực điện thoại bị vỡ, do chúng rất mỏng nên siêu âm B không tìm thấy được.
Đừng chủ quan với vết thương nhỏ
Các vết thương nhỏ kèm theo dị vật cực nhỏ, tưởng không nguy hiểm nhưng cực kỳ gây hại. Nếu để nhiễm trùng thì mức độ nhẹ là gây nhiễm trùng tại chỗ với các triệu chứng sưng phồng, nóng, đỏ vùng vết thương, tụ mủ. Còn nguy cơ nặng là nhiễm trùng lan tỏa và nhiễm trùng yếm khí.
Nhiễm trùng yếm khí là tình trạng nhiễm trùng nhỏ tại chỗ, sau đó lan rộng ra đến gốc chi, rất nguy hiểm, ví dụ bị ở đầu ngón tay thì lan lên tới nách. Nó nguy cơ hoại thư sinh hơi, khi vết thương không được làm sạch lại bị bịt kín miệng nên gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết có thể dẫn đến tử vong.
Thay ngay kính cường lực khi bị vỡ
Tấm dán màn hình cường lực có đặc tính rất cứng để bảo vệ điện thoại tránh các tác động,tuy nhiên, một khi bị vỡ vụn thì "sức sát thương" của nó cũng gần ngang ngửa với kính cửa hoặc thủy tinh khác.
Ngoài ra, tấm cường lực sau khi bị vỡ sẽ không rơi ra toàn bộ các mảnh sắc nhọn mà vẫn tiếp tục dính vào màn hình bởi lớp keo, do đó nó có thể dễ dàng làm hại tay khi người dùng sử dụng liên tục và với một lực mạnh nhất định.
Câu chuyện của Feifei cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang sử dụng điện thoại di động có kính cường lực bị vỡ hoặc bề mặt điện thoại bị nứt, cần đến cửa hàng để thay ngay một chiếc kính mới. Nếu gặp phải trường hợp bị mảnh vỡ của kính đâm trúng thì hãy sát trùng và đến phòng khám chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.