Khi sốt cao, biểu hiện ớn lạnh hoặc rét run rất phổ biến. Tuy nhiên nếu xử trí đúng cách, tình trạng này sẽ nhanh chóng hết.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, sốt chỉ là triệu chứng, không phải bệnh. Đây là phản ứng của cơ thể khi không may bị nhiễm virus, vi khuẩn, do mắc các bệnh tự miễn hoặc phản ứng với thuốc...
Vùng dưới đồi của não là khu vực kiểm soát nhiệt độ cơ thể. Khi sốt cao, tức cơ thể đang tăng nhiệt độ cao hơn mức bình thường, lúc này vùng dưới đồi sẽ nhận được tín hiệu, từ đó khởi động “hệ thống” làm mát bằng cách tăng tiết mồ hôi, tăng lưu lượng máu đến da. Nếu “hệ thống” làm mát này hoạt động liên tục, khiến cơ thể hạ hơn nhiệt độ bên ngoài, sẽ gây ra cảm giác ớn lạnh, rét run.
Với trẻ nhỏ, PGS Dũng khuyến cáo, không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ vẫn dưới 38,5 độ. Khi trẻ sốt nhẹ ở mức 37,5-38,5 độ chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn.
Sốt thường vô hại, ngoài việc cơ thể cảm thấy khó chịu. Với người lớn, khi sốt cao kèm theo rét, ớn lạnh, có thể dùng thuốc hạ sốt.
Hiện có 2 loại là paracetamol và ibuprofel. Trong đó, các nước châu Á lựa chọn paracetamol, châu Âu dùng ibuprofel do họ không có dịch sốt xuất huyết. Liều dùng paracetamol là 15mg/kg thể trọng, khoảng cách từ 4-6 tiếng.
Sau khi uống thuốc hạ sốt, cơ thể có cơ chế thoát nhiệt, với con người thoát nhiệt qua da. Để có thể thoát nhiệt cần có đối lưu giống như khi trời nóng, đi xe máy ngoài đường có gió sẽ thấy mát. Nếu không có đối lưu thì không thoát nhiệt được.
“Do đó, nguyên tắc quan trọng khi bị sốt là không được đắp chăn, không được đóng kín cửa mà phải mở cửa, quạt cho thông gió, để không khí trong nhà lưu thông. Với cách này chỉ một lúc sau người bệnh sẽ hết cảm giác rét", PGS Dũng nói.
Ngoài ra các trường hợp bị sốt không nên chườm lạnh, dán miếng hạ sốt. Phương pháp này chỉ giúp hạ sốt nhanh 1 giờ đầu, sau đó nhanh chóng sốt lại. Cách tốt nhất để thấy dễ chịu là dùng khăn ấm lau toàn thân, lau nhiều ở trán, 2 hóc nách, bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để giúp hạ nhiệt nhanh.
Ngoài ra, người lớn khi bị sốt cao cần uống nhiều nước để làm mát cơ thể, ngăn ngừa mất nước; ăn thức ăn nhẹ dễ tiêu hoá; nghỉ ngơi, thư giãn; mặc quần áo thoáng mát.
Trường hợp sốt cao gây co giật, sốt trên 41 độ, mất ý thức, khó thở, đau dữ dội hoặc sưng viêm một bộ phận nào đó trong cơ thể, sốt cao trên 2 ngày không đỡ, nôn mửa, đi tiểu có máu... cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.