Giáo sư Đại học Y Stanford mách bệnh nhân tiểu đường những điều nên làm khi các chỉ số bệnh vẫn cao hơn mức cho phép dù đang trong quá trình điều trị.
- Ngả lưng xuống là ngủ được ngay: 8 tư thế yoga đơn giản giúp bạn ngủ ngon, hết mệt mỏi
- 6 điều kiêng kỵ sau khi tập thể dục để không tổn hại đến sức khỏe, rất ít người biết
Những người mắc tiểu đường tuýp 2 thường rất hay quan tâm tới các chỉ số A1C, đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn, chỉ số huyết áp, mỡ máu và vài chỉ số khác phản ánh tình trạng bệnh tật của mình.
Khi những chỉ số này không ở mức mong đợi, các bệnh nhân tiểu đường thường cảm thấy chán nản hoặc thất vọng. Đôi khi họ cảm thấy kiệt sức.
Đừng phá hỏng một ngày của mình bằng những suy nghĩ tiêu cực đó. Hãy lắng nghe những lời khuyên của Tiến sĩ Mariana Basina, bác sĩ chuyên ngành Đái tháo đường tại Đại học Y Stanford kiêm Giám đốc Y tế bệnh Đái tháo đường tại Bệnh viện Stanford, để giải quyết vấn đề này.
Đừng gán cấp độ cho các chỉ số tiểu đường của mình
Hãy nhớ rằng các chỉ số của bạn không phải là điểm đạt hay điểm trượt giống như khi bạn còn đi học.
Những con số này cho bạn thấy được bạn cần phải thay đổi những gì và bạn đã làm được điều gì đúng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường của mình.
Nếu bạn thấy chỉ số A1C hoặc lượng đường trong máu cao, đó là một tín hiệu cho thấy bạn cần thay đổi một vài thói quen nào đó và các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn những gì bạn cần làm.
Hãy nhớ rằng các con số không phải là tiêu chí để đánh giá bạn
Những con số cho biết chúng ta phải làm gì
Có vẻ như bạn đã làm gì đó để gây ra các chỉ số đó, có thể chúng phản ánh một điều gì đó về bản thân bạn. Nhưng chúng không đánh giá được giá trị của bản thân bạn.
Các bệnh mạn tính mà chúng ta mắc không thể nói được chúng ta là ai. Những con số mà chúng ta thấy chỉ là chỉ dẫn cho những gì chúng ta sẽ phải làm.
Hãy nhắc nhở bản thân rằng ai cũng có những ngày tồi tệ
Không chỉ mình bạn, bất cứ ai đều có những ngày tồi tệ.
Có thể có nhiều thứ không diễn ra theo những gì bạn đã lên kế hoạch. Ví dụ như: Khi đi ăn ngoài tiệm, bạn gọi một món đồ uống dành cho người ăn kiêng, nhưng phục vụ lại đưa ra một món bình thường; có thể bạn phải hoãn lại dự định đi tập thể dục vì gia đình có việc đột xuất hoặc bản thân bạn cảm thấy không được khoẻ.
Những điều đó xảy ra với tất cả chúng ta. Vì vậy hãy nhớ rằng điều đó không có nghĩa bạn là một người không tốt.
Hãy làm gì đó giúp bạn cảm thấy phấn chấn hơn
Hãy nghe một bản nhạc, nhảy một điệu nhảy nào đó hoặc vẽ một bức tranh. Những việc làm này có thể giúp bạn cảm thấy thư thái hơn. Hãy làm những gì mình thích và hãy luôn đối xử tốt với bản thân mình.
Hãy xem lại những gì bạn đã lên kế hoạch và tham khảo ý kiến bác sĩ
Nếu các chỉ số không theo đúng những gì mà bạn đã lên kế hoạch, hãy tạm dừng kế hoạch và xin tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
Nhiều người thấy ngại khi phải nói chuyện với bác sĩ. Họ sợ mình sẽ bị đánh giá, sợ các bác sĩ sẽ phản ứng gay gắt với những gì họ nói.
Hãy nhớ rằng, các bác sĩ ở đó để giúp bạn. Hãy trung thực với họ và đó chính là điều giúp bạn nhiều nhất.
Hãy nói chuyện với những người hiểu được những gì bạn đang trải qua
Đừng đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tiểu đường. Hãy tâm sự với những người cùng mắc căn bệnh này để giúp mình thư giãn hơn.
Hãy nhớ rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi
Có thể bạn sẽ có cảm giác như thế giới đã sụp đổ khi nhìn thấy những con số mà bạn không mong muốn.
Hãy hít thở thật sâu và hãy nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Hãy nhớ rằng lúc nào bạn cũng có thể bắt đầu lại và hãy cố gắng hết mình ngay từ ngày mai.