Gạo lứt, muối mè luôn được nhiều người chia sẻ trong cộng đồng những người bị ung thư, sự thật gạo lứt muối mè mới chỉ là ngũ cốc không có khả năng trị bệnh.
- Chuyên gia dạy cách ăn uống lành mạnh và những cảnh báo quan trọng để "loại bỏ" ung thư
- Ít người biết rằng đây là những dấu hiệu của ung thư miệng
Chết vì gạo lứt muối mè
Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện K Trung ương thường xuyên cấp cứu các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy kiệt, ung thư di căn, đau đớn, tràn dịch màng phổi... do bệnh nhân ung thư sau một thời gian về nhà ăn kiêng, thực dưỡng.
Trường hợp cô giáo Lê T. H (38 tuổi, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được chẩn đoán ung thư vú khoảng 6 tháng trước, thay vì phẫu thuật thì chị H về nhà và lên mạng đọc các thông tin về tự chữa ung thư bằng thực dưỡng, đẩy tế bào ung thư ra khỏi người bằng phương pháp tự nhiên không cần dao kéo.
Đến khi tình trạng nặng, bệnh nhân suy kiệt, khó thở, sút cả chục kg, chị H được em trai đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nặng.
Các bác sĩ đã cấp cứu chị chị H, nhưng tiếc vì trường hợp của chị bệnh đã chuyển sang giai đoạn trễ, sức khỏe suy kiệt, di căn phổi kèm theo tràn dịch màng phổi. Cuối cùng, chị H đã tử vong vì suy kiệt. Trong khi y học có thể giúp bệnh nhân ung thư vú sống khỏe tới 90% nếu điều trị đúng phác đồ thay vì chạy chữa kiểu truyền miệng.
Trường hợp của chị H đã được các bác sĩ cảnh báo, tuy nhiên, gần đây vẫn liên tiếp có các trường hợp bệnh nhân ung thư bỏ bệnh viện về ăn gạo lứt, muối mè.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết bản thân ông cũng được rất nhiều bệnh nhân hỏi xin tư vấn ăn gạo lứt, muối mè, gạo huyết rồng, đủ các loại gạo từ Nhật Bản, từ Thái Lan với hi vọng chữa ung thư. Tuy nhiên, các loại hạt trên chỉ có tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể chứ không thể gánh thêm tác dụng chữa bệnh.
Gạo lứt có hơn gạo trắng
Hiện nay, có 2 loại gạo, gạo lứt (brown rice) và gạo trắng (white rice) phân biệt bởi màu sắc. Nguồn gốc của chúng đều từ hạt thóc, chỉ là khác nhau ở cách xay xát, gạo lứt sau khi bỏ lớp trấu bên ngoài thì giữ lại lớp vỏ ngoài màu nâu đỏ mỏng tang cùng mầm gạo, còn gạo trắng thì bỏ nốt lớp vỏ này rồi được đánh bóng.
So với gạo trắng chúng ta ăn hàng ngày, gạo lứt hơn ở lớp cám gạo. Cám gạo chiếm 7-8% thành phần hạt, có chứa nhiều chất xơ, vitamin B, một số khoáng chất như Mg, Mn, P và có nhiều hơn đến 40% protein so với gạo trắng. Tuy vậy gạo chủ yếu là để cung cấp carbonhydrat.
Ngoài ra cám gạo còn có nhiều chất béo đặc biệt là gamma-Oryzanol là loại acid béo không no có tính chống oxy hóa cao (gấp 4 lần vitamin E) tốt cho tim mạch, làm giảm cholesterol máu. Rõ ràng là gạo lứt tốt hơn gạo trắng. Nhưng tỷ lệ quá nhỏ so với nhu cầu ăn uống của mỗi người.
Gần 200g gạo nấu lên mới có 80-85mg Mg (ăn được 200g gạo này 1 bữa rất khó), trong khi 1 bát cải xoăn đã có 150mg. Các thứ khác tương tự, hàm lượng ít hoàn toàn có thể thay thế bằng các món ăn khác có hàm lượng vi chất cao hơn. Một bữa ăn cân bằng các loại thức ăn gồm tinh bột, rau xanh và thịt là tốt nhất cho sức khỏe.
Gạo lứt còn có thêm acid Phytic, acid này vốn dĩ không có cách nào cơ thể chống lại được nó, nó gắn với các vi chất làm giảm hấp thu chúng. Bên cạnh đó, 100g gạo trắng có 6g protein, gạo lứt nhiều hơn 40% thì 100g cũng chỉ có khoảng 8g mà thôi. Đáng tiếc, về mặt khoa học thì sự hấp thu protein từ gạo lứt không cao hơn gạo trắng.
Bác sĩ Tiến nhấn mạnh cố nhai gạo lứt để lấy chất dinh dưỡng nó chỉ làm vất vả thêm cho hệ tiêu hóa. Điều này không tốt ngay cả với những người khỏe mạnh bình thường, chứ chưa nói tới bệnh nhân ung thư. Lạm dụng gạo lứt hàng ngày mà không có thêm dinh dưỡng khác lâu ngày có thể gây nguy hại, làm cho cơ thể suy nhược trầm trọng vì thiếu chất.
Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có công trình khoa học nào trên thế giới khẳng định gạo lứt có khả năng phòng chống ung thư.