Đột quỵ thường "núp bóng" bên dưới các triệu chứng của say nắng, đặc biệt là trong tiết trời oi bức, khiến nhiều người nhầm lẫn. Tuy nhiên, đột quỵ là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Không phải sau khi tắm đêm, đây chính là khung giờ dễ bị đột quỵ nhất, muốn sống thọ nên bỏ gấp 3 thói quen tai hại này
- Trước khi ngủ hãy cẩn thận kiểm tra 4 dấu hiệu này, tốn vài giây nhưng giúp bạn phòng tránh đột quỵ xảy ra trong khi ngủ
Say nắng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm như hiện nay. Nó khiến con người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... đặc biệt là dẫn đến đột quỵ.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Đột quỵ hay còn được biết đến là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:
- Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó.
- Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
- Hoa mắt, chóng mặt, người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động.
- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ.
- Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
Các dấu hiệu kể trên giống với một cơn say nắng, say nóng thông thường, vì vậy rất nhiều người thờ ơ bỏ qua và phải nhận hậu quả khó lường.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cũng cho biết: "Nếu một người đang hoạt động ngoài trời nắng, đột ngột mất ý thức, ngất; da nóng ran, nhiệt độ cơ thể lên tới 40 - 41 độ C hoặc hơn thì đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ hơn là say nắng".
Cách xử lý khi phát hiện người đột quỵ và say nắng
Say nắng là tình trạng mệt mỏi của cơ thể, không gây ra hậu quả nặng nề, tuy nhiên đột quỵ sẽ để lại biến chứng đến cuối đời và nặng có thể gây tử vong. Vì vậy, cần biết cách xử lý kịp thời để cứu chữa cho người thân và những người xung quanh.
Người bị sốc nhiệt, say nắng: Cần đưa nạn nhân ra khỏi môi trường nóng, nới lỏng quần áo, chuyển tới nơi có bóng râm. Quạt để thúc đẩy ra mồ hôi và bốc hơi, đặt túi chườm đá ở nách và bẹn. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và có thể uống, hãy cho uống nước mát không chứa cồn và cafein.
Theo dõi thân nhiệt của nạn nhân thường xuyên, liên tục làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 38,3 - 38,8 độ C. Nếu nạn nhân mất ý thức, không thấy dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động, cần gọi cấp cứu và trong khi đó hỏi các nhân viên y tế cách tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR).
Người bị đột quỵ: Việc đầu tiên là gọi cấp cứu, sau đó kiểm tra các chấn thương, đặc biệt không tự ý cho bệnh nhân ăn uống hoặc dùng bất kỳ loại thực phẩm nào trước khi nhân viên y tế chuyên nghiệp đến.
Trong lúc đó, đặt người bệnh nằm nghiêng cao đầu 30-45 độ, mặc quần áo thoáng. Trường hợp người bệnh bị nôn, cần xoay người sang 1 bên, để tránh đờm, dãi chui vào mũi, phổi và sẽ không bị sặc. Nếu trong họng vẫn còn có đờm, nhớt, dị vật cần phải móc ra giúp đường thở được thông thoáng. Nếu bệnh nhân ngừng tim, cần cấp cứu ngừng tuần hoàn, kêu gọi người xung quanh hỗ trợ. Tránh không được để bệnh nhân bị ngã, dễ dẫn đến các chấn thương khác, nhất là vùng đầu.
Cách phòng tránh đột quỵ trong mùa nắng nóng
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi cần đội nón, mũ rộng vành, mặc quần áo mỏng, thoáng, áo chống nóng, đeo kính, khẩu trang tránh hít phải bụi...
- Nên uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả, trái cây hoặc uống nước muối nhạt (có pha thêm muối ăn) giúp tăng điện giải cho cơ thể.Tránh uống rượu, bia và các chất kích thích như cà phê...
- Vừa ở ngoài trời nắng về nhà không nên tắm ngay, không nên cho quạt với tốc độ cao quạt xoáy vào người và đặc biệt không nên vào phòng máy lạnh, nhất là phòng máy lạnh để ở nhiệt độ thấp và không nên uống nước có đá hoặc nước ướp lạnh.
- Thường xuyên vận động nhẹ, tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe trong mùa nắng oi bức.
- Tạm dừng công việc nếu cảm thấy cơ thể có các dấu hiệu mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt và nhất là khi điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.