Điều gì xảy ra nếu trẻ không được tiêm phòng vắc xin?

Sống khỏe 20/04/2019 13:16

Người chưa miễn dịch có thể mắc bệnh với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao, bất kể “sống thuận theo tự nhiên” hay không.

Tại lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” năm 2019 tổ chức ngày 19/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay từ chối tiêm chủng là hiện tượng được ghi nhận trong thời gian gần đây ở nước ta. So với hàng triệu gia đình đưa con đi tiêm chủng mỗi năm, số người từ chối là thiểu số, song ảnh hưởng của việc này đến cộng đồng không nhỏ.

"Từ chối tiêm chủng không chỉ đặt con bạn vào rủi ro, mà còn xâm phạm lợi ích chung của cả cộng đồng", thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Cụ thể, việc tiêm chủng tỷ lệ thấp hoặc ngừng tiêm chủng sẽ gây ra hàng loạt hệ quả nghiêm trọng.

Thứ nhất, hàng rào miễn dịch sẽ bị phá vỡ. Khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan rộng. Khi đó, tất cả người chưa miễn dịch đều có thể mắc bệnh, bất kể những người “sống thuận theo tự nhiên” hay không.

Những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, đang mắc bệnh nặng, trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, chống chỉ định tiêm vắc xin…) dễ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao.

Ngoài ra, những bệnh dịch đã khống chế, loại trừ, có thể quay trở lại.

Điều gì xảy ra nếu trẻ không được tiêm phòng vắc xin? - Ảnh 1

Từ chối tiêm chủng khiến trẻ gặp nguy hiểm. Ảnh: P.H.

Theo đại diện Bộ Y tế, Mỹ đã loại trừ bệnh sởi từ năm 2000. Tuy nhiên, với tình trạng e ngại tiêm chủng của một bộ phận cha mẹ, tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống, số mắc sởi các tháng đầu năm 2019 ở nước này tăng mạnh, khiến dịch sởi bùng phát. Tình hình dịch sởi tại quốc gia này hiện nay trở nên tồi tệ nhất trong vòng 27 năm qua.

Tại châu Âu, một năm qua, 8.580 trường hợp được ghi nhận mắc sởi, 33 người tử vong. Trong đó, nhiều trẻ chưa được tiêm chủng do cha mẹ từ chối tại các nước Pháp, Italy, Đức, Romania...

Ở nước ta, trong các năm 2013-2014, dịch nghiêm trọng xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc sởi, hơn 100 trẻ tử vong, khiến các bậc cha mẹ lo lắng.

Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong, hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Virus bại liệt xâm nhập vào nước ta và lưu hành, gây dịch với hàng chục nghìn ca mắc, nhiều người tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong mỗi năm.

Hầu hết trẻ em bị mắc sởi và các biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, tử vong… Bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong trên 50%.

Giai đoạn trước triển khai vắc xin 5 trong 1, nguyên nhân chính gây viêm phổi và viêm màng não vi khuẩn là do vi khuẩn Hib, chiếm trên 60% trường hợp. Đến nay, Hib không còn là nguyên nhân chính của các bệnh này nữa.

Nếu tỷ lệ tiêm vắc xin này giảm xuống, nguy cơ hàng chục nghìn trẻ mắc viêm phổi, hàng trăm trẻ viêm màng não do Hib sẽ quay trở lại, đe dọa tính mạng trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, bạch hầu có thể gây dịch hàng năm.

Đánh giá gần đây vào đầu năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp e ngại, từ chối tiêm chủng là một trong 10 yếu tố đe dọa sức khỏe toàn cầu.

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cho trẻ

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin, hoãn tiêm vắc xin cho trẻ vừa được Bộ Y tế ban hành trong hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng.

TIN MỚI NHẤT