Bệnh tim từ lâu đã luôn được coi là căn bệnh của nam giới, nhưng thực tế không phải như vậy. Bởi hiện tại đang ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của bệnh tim.
- Cẩn thận nếu thấy cục hạch sau tai vì nó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm, bao gồm cả ung thư
- Những dấu hiệu ngầm cảnh báo cơ thể bạn đang tiêu thụ đường quá mức
Các triệu chứng bệnh tim ở phụ nữ có thể không rõ ràng như ở nam giới
Sau gần 30 năm cống hiến cho hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh tim ở nữ giới, chuyên gia tim mạch, tiến sĩ Nieca Goldberg vẫn gặp những bệnh nhân nữ nói rằng, họ do dự gọi trợ giúp khi đối diện với sự khởi phát của một cơn nhồi máu cơ tim .
"Thường thì nhiều phụ nữ tôi gặp thổ lộ rằng, họ chỉ uống một viên aspirin và lên mạng kiểm tra các triệu chứng mình có. Nhưng nếu bạn nghĩ mình bị nhồi máu cơ tim, bạn cần gọi xe cứu thương ngay lập tức chứ đừng phí phạm thời gian để lên mạng tra cứu triệu chứng làm gì", tiến sĩ Goldberg cho biết.
Nếu bạn nghĩ mình bị nhồi máu cơ tim, bạn cần gọi xe cứu thương ngay lập tức chứ đừng phí phạm thời gian để lên mạng tra cứu triệu chứng làm gì.
Thực tế là không chỉ có các bệnh nhân của tiến sĩ Goldberg mới như thế. Một nghiên cứu do Hiệp hội Tim mạch châu Âu công bố vào tháng 12 năm 2018 cho thấy, phụ nữ bị nhồi máu cơ tim chờ lâu hơn khoảng 37 phút so với nam giới trước khi liên hệ được với dịch vụ y tế. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu về 4.360 bệnh nhân - 20% trong số đó là nữ - được điều trị tại bệnh viện Triemli (Thụy Sỹ) từ năm 2000 - 2016. Nghiên cứu này không phát hiện thấy việc chậm điều trị có liên quan tới tỷ lệ tử vong cao hơn.
Một trong những nguyên nhân khiến người phụ nữ chậm trễ gọi trợ giúp y tế là vì họ không biết rằng triệu chứng mình gặp là nhồi máu cơ tim. Các triệu chứng này ở nữ đôi khi khác biệt so với ở nam – theo tác giả nghiên cứu và các chuyên gia trả lời phỏng vấn của HuffPost sau khi công bố nghiên cứu.
Tiến sĩ Suzanne Steinbaum, chuyên gia về dược phẩm điều trị tim mạch ở nữ giới tại bệnh viện Mount Sinai, New York, giải thích: "Nam giới thường bị đau tức rất dữ dội ở ngực. Đó là triệu chứng rõ ràng. Họ sẽ gọi trợ giúp hoặc đi thẳng tới phòng cấp cứu". Phụ nữ cũng có thể gặp các cơn đau thắt ngực nghiêm trọng, cảm giác tê bì cánh tay - dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Nhưng đôi khi, các dấu hiệu đó lại kém rõ ràng. Tiến sĩ Steinbaum cho biết thêm: "Triệu chứng nhồi máu cơ tim ở nữ có thể khó nhận biết hơn, ví dụ, khó thở hay đau hàm, đau lưng, buồn nôn, nôn mửa, thậm chí các triệu chứng giống bệnh cúm".
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cũng có thể gồm đau họng, cổ, ngực, bụng hoặc vai kéo dài hơn 15 phút và đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt, cơ thể yếu ớt. "Sự không rõ ràng của những triệu chứng này đôi khi khiến phụ nữ tin rằng có thể họ sẽ sớm cảm thấy khá hơn hoặc chúng rồi sẽ qua đi và do đó, họ không nghĩ đến chuyện gọi cấp cứu nữa", tiến sĩ Steinbaum nhấn mạnh.
Triệu chứng nhồi máu cơ tim ở nữ có thể khó nhận biết hơn, ví dụ, khó thở hay đau hàm, đau lưng, buồn nôn, nôn mửa, thậm chí các triệu chứng giống bệnh cúm...
Theo chia sẻ của tiến sĩ Goldberg, phụ nữ có thể cảm thấy do dự, ngại ngần bởi họ lo rằng mình trông sẽ thật ngốc nghếch nếu xuất hiện ở bệnh viện mà không bị nhồi máu cơ tim. Nhưng hãy nhớ rằng, thời gian cũng là một khối cơ. Tiến sĩ Steinbaum bày tỏ: "Bạn càng đợi lâu, khả năng trái tim bạn bị hủy hoại càng cao hơn và nếu chuyện đó xảy ra, nguy cơ lớn là bạn sẽ bị ốm rất nặng với tình trạng suy tim, thậm chí, tử vong".
Bất chấp thực tế là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả nam lẫn nữ tại nước Mỹ, bệnh tim trong lịch sử vẫn được coi là bệnh của nam giới. Nó cũng được nghiên cứu và điều trị theo chiều hướng đó.
Bệnh tim cũng là căn bệnh phổ biến ở nữ giới
Tiến sĩ Goldberg nhận định: "Không phải là phụ nữ không bị nhồi máu cơ tim". Vấn đề nằm ở sự khác biệt, bệnh tim biểu hiện khác ở nữ giới và thường ở giai đoạn muộn hơn trong đời. "Thời điểm phổ biến nhất phụ nữ bị nhồi máu cơ tim là khoảng 10 năm sau giai đoạn mãn kinh. Trong khi đó, ở nam giới, thời điểm dễ bị nhồi máu cơ tim nhất là khi họ trong độ tuổi 40, 50".
Tỷ lệ nhồi máu cơ tim đang tăng dần trong số người thuộc nhóm tuổi 35 - 45 và những tỷ lệ này cũng ngày càng tăng nhanh hơn trong nhóm bệnh nhân nữ.
Khoảng 80% các trường hợp mắc bệnh tim mạch đều có thể phòng ngừa được. Đó là lý do tại sao việc nâng cao nhận thức về bệnh tim ở nữ giới, mức độ phổ biến của bệnh cũng như khác biệt so với bệnh tim ở nam giới - lại có ý nghĩa quan trọng đến vậy. Hơn thế, việc nâng cao nhận thức không chỉ cần tiến hành với nhóm bệnh nhân mà với cả nhóm nhân viên y tế và cộng đồng nghiên cứu – nơi nhu cầu của phụ nữ thường không nhận được sự quan tâm, chú ý lẽ ra phải có.
Để hiểu rõ hơn về các vấn đề tim mạch chỉ có ở phụ nữ, cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn.
Cả hai chuyên gia tim mạch, tiến sĩ Goldberg và Steinbaum đều nhất trí rằng, để hiểu rõ hơn về các vấn đề tim mạch chỉ có ở phụ nữ, cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn – đó là những nghiên cứu liên quan tới biện pháp phòng ngừa, yếu tố nguy cơ và cách điều trị. Theo tiến sĩ Steinbaum, như vậy có nghĩa là phụ nữ cần góp mặt trong các thử nghiệm lâm sàng về dược phẩm và thiết bị sử dụng trong điều trị, phẫu thuật bệnh tim. "Sự tham gia của phụ nữ trong các nghiên cứu chỉ chiếm khoảng 20%", tiến sĩ Goldberg tiết lộ. "Trừ khi phụ nữ tham gia các thử nghiệm lâm sàng, chúng ta sẽ không có đủ thông tin về biện pháp điều trị và cách thức chẩn đoán cho bệnh nhân nữ bị bệnh tim".
Đồng thời, việc lan toả trong cộng đồng hiểu biết về các biểu hiện cụ thể của bệnh tim ở nữ giới đóng vai trò thiết yếu để đảm bảo rằng, chị em có thể nhận ra các dấu hiệu và nhận được trợ giúp họ cần một cách nhanh chóng.