Người phụ nữ 30 tuổi khỏe mạnh đưa đứa con mới 2 tháng tuổi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám do bé có dấu hiệu kích ứng da.
- Bé trai 11 tuổi bị giang mai nghi do quan hệ tình dục đồng tính
- Giám đốc bị tâm thần vì mắc giang mai nhưng không chữa, nguyên nhân không ai ngờ tới
Em bé mới sinh có các triệu chứng kích ứng và nứt da quanh miệng, bộ phận sinh dục và hậu môn, kèm theo phát ban như những mụn nước nhỏ, đặc biệt là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Ngày 21/10, bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương chẩn đoán bé mắc giang mai bẩm sinh.
"Tôi vô cùng bàng hoàng, không hiểu tại sao con mắc bệnh giang mai. Bản thân tôi trước nay sức khỏe hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh", người mẹ cho biết.
Chị được xét nghiệm TPHA (Treponema Pallidum Hemagglutination Assay) - kỹ thuật thường dùng để tìm phản ứng đặc hiệu xác định có hiện diện xoắn khuẩn giang mai. Kết quả cho thấy chị bị giang mai mà không biết và đã truyền bệnh cho con.
Lập gia đình nhiều năm nay, chị đã 3 lần sảy thai mà không rõ nguyên do. Cuối năm ngoái, chị mang thai lần 4 và may mắn em bé chào đời đủ tháng.
Hai mẹ con đang được điều trị tại bệnh viện.
Bác sĩ Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương, người trực tiếp điều trị cho hai mẹ con, cho biết bệnh nhân mắc giang mai mà không biết gọi là giang mai kín (giang mai ẩn). Bệnh chỉ được phát hiện chủ yếu nhờ xét nghiệm giang mai dương tính, không có biểu hiện lâm sàng. Bệnh nhân đôi khi chỉ thấy xuất hiện các vết mụn nhọt ở bộ phận sinh dục, những vết này tự biến mất sau vài ngày. Bệnh nhân tưởng đã khỏi, tuy nhiên vẫn lây cho thai nhi thành giang mai bẩm sinh.
Giang mai kín có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí suốt đời, bệnh nhân không có triệu chứng gì. Chính điều này khiến người bệnh không có động thái điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn giang mai 3 (còn gọi là giai đoạn biến chứng). Thời kỳ này bắt đầu vào năm thứ 3 hoặc năm thứ 5, thứ 10 của bệnh. Đặc điểm là tổn thương khu trú mang tính chất ăn sâu, phá hủy tổ chức, gây di chứng không hồi phục, thậm chí tử vong. Thai phụ có khả năng sinh ra con bị giang mai bẩm sinh.
Mắc giang mai trong thai kỳ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như sinh non, đa ối, thai nhi tử vong và giang mai bẩm sinh. Một số trẻ sơ sinh phát bệnh ngay khi vừa chào đời, còn lại hầu hết triệu chứng phát triển rõ khi trẻ được 2 tuần hoặc vài tháng tuổi.
Những triệu chứng bao gồm phát ban, đau ngoài da, sốt, mệt mỏi hoặc khóc khàn giọng. Bé có biểu hiện sưng gan và lá lách, vàng da, thiếu máu...
Đôi khi dấu hiệu bệnh không phát ra ngoài với trẻ sơ sinh. Lúc trẻ lớn hơn hoặc thành niên thì các triệu chứng bệnh chuyển sang giai đoạn sau, có thể ảnh hưởng đến xương khớp, răng lợi, mắt, tai và não bộ. Giang mai ở trẻ sơ sinh thường do mẹ lây nhiễm sang cho con qua nhau thai. Việc điều trị giang mai sẽ được tiến hành ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ cho đến lúc được sinh ra.
Bác sĩ Ghi cho biết điều trị giang mai giai đoạn đầu không khó, điều trị càng sớm càng hiệu quả, không biến chứng. Tuy nhiên nếu không chẩn đoán đúng cách và chữa trị sớm, bệnh khó chữa và có thể gây biến chứng cho tim, não, động mạch chủ, xương.
Bác sĩ khuyến cáo trước khi mang thai cần khám và xét nghiệm, tránh trường hợp cơ thể bà mẹ bị nhiễm giang mai mà không biết. Thai phụ cần khám thai định kỳ trong 18 tuần đầu tiên, bởi giai đoạn này có thể phát hiện được bệnh, từ đó có những biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời phải tiến hành xét nghiệm máu, xét nghiệm phản ứng huyết thanh trong thai kỳ.
Giang mai là bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum. Vi khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi quan hệ không được bảo vệ, qua vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai. Xoắn khuẩn giang mai còn lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai từ tháng thứ 4 trở đi, do xoắn khuẩn xâm nhập vào máu thai nhi qua dây rốn.