Hãy cùng điểm xem những hậu quả của thức khuya vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe của cơ thể.
- Chẳng cần đến salon, bạn vẫn sở hữu mái tóc bóng mượt nhờ chăm sử dụng mặt nạ cà rốt tại nhà
- 7 món ăn thay cơm hằng ngày mà chẳng lo sợ tăng cân
Công việc bận rộn, bài tập về nhà cần hoàn thành... khiến chúng ta đều không đủ thời gian để hoàn thành mà đành "thức trọn đêm nay" để cố gắng cho kịp deadline. Nhưng có ai ngờ rằng, thức khuya lại là một thói quen vô cùng xấu gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến làn da mà còn cả những cơ quan bên trong. Hãy cùng điểm xem những hậu quả của thức khuya đem lại làm cho chúng ta mau "gặp thần chết".
Phá vỡ đồng hồ sinh học
Ai cũng đều biết, giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của cơ thể và sức khỏe tổng thể. Không chỉ giúp cơ thể nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, hồi phục những chấn thương mà khi ngủ, các cơ quan của cơ thể sẽ bắt đầu thực hiện các chức năng thải độc, trao đổi chất và xây dựng khả năng miễn dịch. Vì thế, nếu cứ cố sức làm việc đến tận 1 - 2 giờ sáng, đồng hồ sinh học sẽ bị xáo trộn và các cơ quan sẽ không thể thực hiện chức năng của chúng một cách hiệu quả.
Nguy cơ mắc bệnh ung thư
Một số nghiên cứu đã tiết lộ rằng, những người thường xuyên thức đêm làm việc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 rất cao. Bên cạnh đó, đối với phụ nữ thì nguy cơ mắc ung thư vú cũng có thể xảy ra nếu tình trạng này cứ liên tục kéo dài. Hơn nữa, làm việc đêm và ngủ ngày sẽ khiến bạn không có đủ vitamin D giúp hấp thụ canxi và phát triển xương. Ngoài việc gây ra chứng nhuyễn xương, thiếu hụt vitamin D, nó cũng có thể gây ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt.
Dễ dẫn đến đột quỵ và các bệnh về tim
Một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa Anh cho thấy rằng, khi làm việc muộn vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ đau tim lên 7%. Sự thay đổi giờ ngủ được cho là lý do chính của hậu quả này, vì sự rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến huyết áp và sự lưu thông máu.
Một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, tiết lộ rằng những y tá làm việc vào ca đêm có nguy cơ tăng thêm 15% bệnh tim mạch vành. Hơn nữa, thức khuya nhiều có thể làm tăng huyết áp, khiến bạn dễ bị đột quỵ.
Gia tăng tỉ lệ béo phì
Nếu thức trắng đêm thì bạn sẽ có xu hướng ngủ bù vào ban ngày, sự thay đổi của đồng hồ sinh học này có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong nội tiết tố. Theo đó, chu kỳ hormone sẽ bị gián đoạn đột ngột, điều này làm tăng nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường.
Chẳng hạn như leptin, loại hormone đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh trọng lượng, mức insulin và mức đường trong cơ thể. Nếu thức khuya quá nhiều thì cơ thể sẽ ngưng sản xuất leptin. Điều này cho thấy rằng, ngay cả khi bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh, sự mất cân bằng nội tiết tố vẫn có thể gây ra bệnh béo phì và tiểu đường.
Rối loạn tiêu hóa
Thức khuya trong thời gian dài có thể làm phá vỡ sự trao đổi chất của cơ thể và dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tiêu chảy... Thậm chí, đôi khi chúng còn gây ra những căn bệnh nghiêm trọng hơn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn nói chung và các cơ quan tiêu hóa như ruột, gan, dạ dày...
Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Khi phải thức khuya làm việc, học bài, chúng ta sẽ phải dùng đến hệ thần kinh giao cảm để suy nghĩ, vận dụng đầu óc... Trạng thái hưng phấn, hứng khởi này sẽ làm não chúng ta không được nghỉ ngơi mà làm việc quá mức dẫn đến kiệt sức. Về lâu dài, trí nhớ của bạn sẽ bị giảm sút nghiêm trọng và các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, suy nhược thần kinh... cũng sẽ đến tìm bạn.