Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Vậy làm thế nào để nhận biết các triệu chứng và phòng tránh căn bệnh này hiệu quả?
- Người mẹ bị ung thư di căn não chấp nhận hôn mê để sinh con
- Những quan niệm sai lầm về dinh dưỡng trong điều trị ung thư
Các dấu hiệu nguy cơ ung thư đại tràng
Theo các chuyên gia tiêu hóa, để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng cần chú ý các dấu hiệu sớm dưới đây.
Rối loạn tiêu hóa kéo dài
Bệnh ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn.
Đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Song một vài trường hợp, nó báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở dạ dày - ruột. Chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng.
Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân. Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lị.
Tuy nhiên, người mắc bệnh lị có thể điều trị bằng cách dùng kháng sinh, còn loại thuốc này không có tác dụng với bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Khi có dấu hiệu đau quặn bụng, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài... rất có thể đó là dấu hiệu ung thư đại tràng.
Giảm cân bất thường
Không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân mà cơ thể đột ngột sút cân thì bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.
Các rối loạn liên quan bài tiết phân
Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài.
Ung thư đại trực tràng thường khiến người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài.
Khi đi đại tiện, người bệnh thường bị đau quặn, mót rặn, phân nhày mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.
Phân mỏng, hẹp so với bình thường
Kích thước của chất thải cũng giúp phát hiện những bất thường trong hệ tiêu hóa. Tình trạng phân mỏng rất có thể do một vật cản giống như một khối u khiến phân bị chặn lại. Nếu phân có kích thước mỏng như một chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa do phải đi qua khối u thì cần đề cao cảnh giác.
Xuất hiện máu trong phân
Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân. Một số trường hợp, ở giai đoạn cuối bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng lên, khi táo bón, khi tiêu chảy.
Đây là triệu chứng phổ biến của căn bệnh song nó không đồng nghĩa mọi trường hợp phân có máu đều do mắc ung thư đại tràng.
Nếu mắc bệnh khác như trĩ, nứt hậu môn bạn cũng gặp hiện tượng trên. Cần phân biệt đại tiện ra máu do trĩ thường là máu tươi.
Còn bệnh nhân ung thư trực tràng thường xuất huyết dưới dạng máu lẫn với nhầy. Vì máu chảy ở niêm mạc vùng ung thư có thể bị viêm nên tiết nhầy.
Mệt mỏi và suy nhược
Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần… Khi cơ thể có những dấu hiệu kể trên, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám để phát hiện và điều trị sớm ung thư đại trực tràng.
Làm xét nghiệm gì để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng
Theo ThS.BS Phí Thị Quang, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nếu nghi ngờ ung thư đại tràng, đi kiểm tra, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân làm các xét nghiệm:
Tìm máu ẩn trong phân: Đây là xét nghiệm bước đầu có giá trị trong tầm soát ung thư đường tiêu hóa.
Xét nghiệm đặc hiệu: Xét nghiệm CEA. CEA là chất được tế bào ung thư sản xuất. Chất này có thể tăng cao ở bệnh nhân ung thư đại tràng, nên là xét nghiệm có ý nghĩa theo dõi bệnh nhân đang điều trị và sau điều trị ung thư đại trực tràng.
Nội soi đại tràng: Dễ dàng phát hiện khối polyp với kích thước nhỏ và tổn thương đại trực tràng khác.
Sinh thiết: Khi nội soi đại tràng phát hiện tổn thương tiền ung thư hoặc nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết hoặc cắt bỏ các tổn thương và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất với các tổn thương này.
Các xét nghiệm khác hỗ trợ phân chia giai đoạn ung thư: Chụp X – quang quanh phổi, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT – S can) bụng.