Nếu không đều đặn dọn dẹp nhà cửa trong mùa dịch COVID-19, chúng ta có thể bị nhiễm bệnh khi chạm tay vào bề mặt các vật dụng nhiễm virus, sau đó dùng tay ăn uống hoặc dụi mắt.
- Bộ Quốc phòng vào cuộc, phố cổ Hội An được phun thuốc khử khuẩn chống Covid-19
- 'Thần tốc' hoàn thiện bệnh viện dã chiến 300 giường trong nhà thi đấu Cung Thể thao ở Đà Nẵng
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng: Thường xuyên lau dọn, khử trùng nhà cửa sạch sẽ, giữ không gian luôn thông thoáng chính là một trong những biện pháp phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra.
Theo Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (Mỹ), virus corona chủng mới có thể tồn tại từ 2-3 ngày trên thép nhựa không gỉ, 4 giờ trên vật liệu bằng đồng, 24 giờ trên các tấm bìa các tông... Hơn nữa, một số khu vực trong nhà cũng có thể chứa các mầm bệnh khác ví dụ như cúm. Nếu không đều đặn dọn dẹp nhà cửa trong mùa dịch COVID-19, chúng ta có thể bị nhiễm bệnh khi chạm tay vào bề mặt các vật dụng nhiễm virus, sau đó dùng tay ăn uống hoặc dụi mắt.
Chia sẻ trên tờ Healthline, nhà vi trùng học Jason Tetro cho rằng có 7 món đồ mà chúng ta thường xuyên chạm tay vào nên cần vệ sinh thường xuyên đó là:
1. Điều khiển từ xa
Cách vệ sinh: Tháo pin, sử dụng vải mềm đã tẩm cồn lau sạch sẽ toàn bộ bề mặt của chiếc điều khiển. Sau đó, bạn hãy sử dụng 1 nhúm bông nhỏ tẩm cồn để làm sạch xung quanh các nút bấm.
2. Sàn nhà
Cách vệ sinh: Bạn có thể lựa chọn loại nước lau nhà, hoặc giấm, bột baking soda... đem 1 trong những nguyên liệu này pha loãng với nước, thấm với khăn và lau sạch sàn nhà nhiều lần.
3. Bàn phím và chuột máy tính
Cách vệ sinh: Dùng khăn ướt tẩm cồn lau sạch toàn thân chuột máy tính.
Với phần bàn phím, hãy sử dụng bình khí nén để loại bỏ bất kỳ mẩu vụn nào đang nằm trong các kẽ hở ở giữa các phím. Sau đó, nhúng một miếng vải mềm vào cồn, chà nhẹ các nút bàn phím.
4. Điện thoại di động và điện thoại cố định
Cách vệ sinh: Bạn hãy tắt nguồn, xịt một chút cồn isopropyl 70% lên một miếng vải nhỏ và lau sạch toàn bộ điện thoại. Để chà kỹ hơn hãy lấy một miếng bông gòn, làm ẩm nó với một chút cồn rồi chấm nhẹ lên phần tai nghe, cổng sạc và loa.
5. Công tắc đèn
Cách vệ sinh: Sử dụng dung dịch chứa ít nhất 60% cồn để khử khuẩn bằng cách dùng khăn sạch nhúng vào cồn và lau bề mặt, để khô tự nhiên không rửa lại với nước.
6. Tay nắm cửa
Cách vệ sinh: Có thể khử khuẩn trên tay nắm cửa bằng các chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để thành dung dịch có khả năng diệt vi rút, hoặc dung dịch chứa 0,05% Clo hoạt tính sau khi pha để lau các bề mặt.
7. Lan can cầu thang
Cách vệ sinh: Tương tự như tay nắm cửa, để khử khuẩn trên lan can cầu thang, bạn hãy dùng giẻ lau hoặc khăn lau thấm các chất tẩy rửa thông thường, dung dịch khử trùng có chứa 0,05% Clo hoạt tính. Hoặc có chứa ít nhất 60% độ cồn để lau rửa các bề mặt lau theo nguyên tắc từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo 7 nguyên tắc vệ sinh, khử khuẩn tại gia đình phòng dịch COVID-19
Cụ thể như sau:
1. Khử khuẩn bằng chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước để thành dung dịch có khả năng diệt vi rút, hoặc dung dịch chứa 0,05% clo hoạt tính sau khi pha. Chỉ pha dung dịch đủ dùng trong ngày.
2. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Sử dụng găng tay cao su, khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn.
3. Các bề mặt phải được làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn.
4. Khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày đối với các vị trí nền nhà, tường, bàn, ghế, đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc và khu vệ sinh.
5. Khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày đối với các vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều kiển từ xa, điện thoại dùng chung. Tắt các thiết bị điện tử, công tắc đèn trước khi khử khuẩn.
6. Bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện.
7. Thực hiện thu gom, xử lý rác thải hằng ngày theo quy định.
(Nguồn: Healthline, Spot, Cục Y tế dự phòng)