Trong quá trình xét nghiệm ADN xác định huyết thống, các nhân viên giám định đã gặp nhiều lời đề nghị thay đổi mẫu xét nghiệm để có kết quả theo ý khách hàng.
- Xét nghiệm ADN nhận con mới phát hiện mình bị vô sinh
- Vụ nữ chủ tịch phường bị dân đòi lại con nuôi: Bất ngờ kết quả xét nghiệm ADN
Anh Nguyễn Văn Minh (45 tuổi, ở Hà Giang) có một người con trai, nhưng càng lớn, đứa trẻ này càng không giống bố. Ban đầu, anh Minh không để ý, sau đó, nhiều người nói khiến anh quyết định xét nghiệm ADN để sáng tỏ những nghi ngờ. Tại một trung tâm xét nghiệm ADN, anh được trả kết quả là bố con ruột.
Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm giám định ADN - Viện Khoa học Hình sự, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, là người đã tiếp nhận trường hợp này. Ông kể lúc tìm đến, anh Minh mang kết quả khẳng định con trai có cùng huyết thống với mình từ trung tâm trước nhưng vẫn không vui. Khuôn mặt anh thể hiện sự phân vân.
Sau khi nghe anh tâm sự, Đại tá Khanh cho anh thực hiện lại một lần nữa với bộ kit nhiều gen hơn, kết quả tìm ra tới 10 sai khác trong giải trình tự gen. Anh và con trai được kết luận không phải bố con. Đại tá Khanh cho hay đây là kết quả không mong muốn nhưng lại là sự thật người bố này cần phải biết.
Ngược lại, trường hợp khác ở Tây Nguyên cũng gọi tới Đại tá Khanh khi phân vân vì kết quả xét nghiệm ADN không phải bố con của mình. Sau khi tư vấn, đại tá nhận định kết luận này chủ quan, mang tính võ đoán.
"Xét về chuyên môn, kết luận như vậy là vội vàng. Để chắc chắn, anh ấy cần làm bộ kit khác, khả năng kết quả ở trung tâm kia sai là rất cao. Tuy nhiên, sau khi tư vấn, tôi không thấy anh ấy đến để xét nghiệm lại. Như vậy, đứa con của anh ấy có thể bị nhìn nhận sai. Hậu quả là rất lớn", ông kể.
Vì sao kết quả giám định ADN bị sai lệch?
“Khi nghi ngờ huyết thống, người ta nghĩ ngay tới việc đi xét nghiệm ADN và mặc định đó là cách chính xác nhất. Tuy nhiên, không phải lúc nào xét nghiệm này cũng cho kết quả đúng. Nhiều trường hợp nhầm lẫn đã xảy ra mà khách hàng không hay biết. Điều này gây hậu quả to lớn đối với cuộc sống và số phận của nhiều người”, Đại tá Khanh cho hay.
Chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể là phòng xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn về công nghệ để thực hiện. Tuy nhiên, đa phần sự nhầm lẫn là do năng lực của con người khi kỹ năng, thao tác không chuẩn và thiếu trình độ để đọc kết quả. Do đó, một sự việc nhưng có hai kết quả vẫn thường xảy ra.
Chẳng hạn, khi xét nghiệm ADN cho hai mẫu là bố - con, nếu khách hàng thực hiện bộ kit 16 locus, khả năng ngẫu nhiên vẫn có một người không cùng huyết thống nhưng có đủ đặc điểm tương đồng. Do đó, người thực hiện phải có kinh nghiệm, chuyên môn để tư vấn cho khách hàng, tránh việc nhầm lẫn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, kết quả ADN đôi khi còn bị cố tình đánh tráo hoặc làm sai lệch. Về điều này, thạc sĩ sinh học phân tử Nguyễn Quang Vinh chia sẻ trong quá trình làm việc, anh và các nhân viên khác tại trung tâm xét nghiệm ADN đã gặp nhiều lời đề nghị thay đổi mẫu xét nghiệm để có kết quả theo ý khách hàng, chủ yếu liên quan tới mục đích thừa kế, làm hồ sơ pháp lý.
"Nhiều người đã mang tiền ra để mua chuộc chúng tôi. Số tiền ít nhất chúng tôi được đề nghị là 200.000 đồng và lớn nhất là 1-2 tỷ. Chúng tôi hiểu kết quả ADN sẽ ảnh hưởng, thậm chí thay đổi cuộc đời của một hoặc rất nhiều người như thế nào. Việc xét nghiệm cho kết quả sai là điều kinh khủng. Chúng tôi có những quy trình và chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả nên không cho phép sự nhầm lẫn, sai trái", thạc sĩ Vinh nói.
Không chỉ xét nghiệm huyết thống
Đại tá Khanh cho biết xét nghiệm ADN bắt đầu có mặt tại Việt Nam từ tháng 4/1999 ở Viện Khoa học hình sự. Lúc đó, ông là Giám đốc Trung tâm ADN đã được cử đi học, nghiên cứu ở nước ngoài và mang công nghệ này về Việt Nam. ADN được ứng dụng trong điều tra tội phạm, sau này là trong tìm hài cốt liệt sĩ và xác định quan hệ huyết thống.
Hiện nay, xét nghiệm ADN không chỉ để tìm ra huyết thống mà còn là phương pháp hỗ trợ sinh sản và hướng tới chẩn đoán, điều trị các bệnh lý của con người.
Trong y học, việc ứng dụng công nghệ gen để chẩn đoán, điều trị các bệnh về di truyền ngày càng phát triển. Bằng việc phân tích gen, bác sĩ sẽ nghiên cứu đặc điểm nhiễm sắc thể, giúp chẩn đoán chính xác bệnh, xác định nguy cơ và có những biện pháp can thiệp, phòng ngừa bệnh tật di truyền.
Phân tích hệ gen đang được ứng dụng trong sàng lọc và chẩn đoán bệnh trước khi chuyển phôi, sàng lọc bệnh di truyền trước sinh, sàng lọc và chẩn đoán ung thư, các bệnh di truyền khác.