Chị em tâm thần, phát điên vì chồng vô tâm, áp lực gia đình, công việc đè nén mỗi ngày

Sống khỏe 31/10/2018 09:56

Những bệnh nhân nữ nhập viện do gặp các vấn đề về tâm thần chiếm số đông, bởi họ đều phải trải qua quá nhiều áp lực việc nhà, việc cơ quan và các mối quan hệ công việc, giao tiếp ngoài xã hội.

Theo TS. BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), những bệnh nhân nữ nhập viện do gặp các vấn đề về tâm thần chiếm số đông. Bởi hầu hết phụ nữ đều phải trải qua quá nhiều áp lực. Họ phải đảm nhiệm quá nhiều công việc trong một ngày bao gồm: Việc nhà, việc cơ quan và các mối quan hệ công việc, giao tiếp ngoài xã hội.

Điều này khiến họ thường xuyên có cảm giác căng thẳng, lo âu, lúc nào cũng nghĩ làm sao cho tốt được tất cả mọi việc. Những căng thẳng này lâu ngày sẽ tạo thành một áp lực lớn, đè nén tâm trí người phụ nữ, khiến họ dần bị rối loạn tâm lý lúc nào không hay.

Thông thường, không phải ai cũng có dấu hiệu rối loạn tâm lý rõ rệt, việc mắc các chứng bệnh về tâm thần cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Điều này được minh chứng bằng việc có nhiều phụ nữ thường xuyên cảm thấy đau bụng, đau dạ dày, đau tim, khó thở, mất ngủ … không rõ nguyên nhân.

Hầu hết những người này ban đầu thường chủ quan, nghĩ đó là những bệnh lý bình thường, đau dạ dày thì tới khám chuyên khoa tiêu hóa, đau tim thì tới khám tim mạch mà không hề hay biết, chính việc bị rối loạn tâm lý, căng thẳng hay lo âu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

“Nhiều người có triệu chứng của lo âu, trầm cảm nhưng lại không hề hay biết. Bởi ban đầu bệnh chỉ xuất hiện những biểu hiện lo âu, buồn chán, tuyệt vọng, bi quan, mệt mỏi và kiệt sức. Sau đó, triệu chứng sẽ tăng dần lên tới mức khó thở, mờ mắt, ù tai, khó nuốt, rối loạn tiêu hóa liên tục, đau lưng, đau đầu và luôn có suy nghĩ mơ hồ.

Chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân tới đây sau khi đi khám rất nhiều nơi nhưng không thể biết và chẩn đoán ra bệnh gì.

Qua kiểm tra tiểu sử, chúng tôi mới biết do họ căng thẳng tột độ, nhiều người ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tâm lý nên lúc nào cũng cảm thấy sợ hãi, ngại tiếp xúc người khác”, BS Thu nói.

Chị em tâm thần, phát điên vì chồng vô tâm, áp lực gia đình, công việc đè nén mỗi ngày - Ảnh 1

Nhiều phụ nữ phải nhờ tới sự trợ giúp của các bác sĩ tâm thần khi lâm vào tình trạng luôn lo lắng, căng thẳng và sợ hãi vì chịu áp lực từ quá nhiều phía. (Ảnh: Phạm Quý)

Cũng theo BS Thu, nhiều phụ nữ do bị ám ảnh quá nhiều bởi công việc mà bất chấp tham gia giao thông trên đường với tâm lý không thoải mái, luôn có cảm giác hụt hẫng, lúc nhớ lúc quên, buồn bã, tuyệt vọng và rất căng thẳng nên dẫn tới việc không tập trung cho việc lái xe.

Thậm chí, có thể xảy ra tai nạn nhưng lúc tỉnh dậy cũng không thể giải thích rõ nguyên nhân là vì sao và do đâu.

“Tâm lý của hầu hết phụ nữ là chịu đựng và hi sinh, nên nhiều người không nói ra. Ở nhà thì chồng lạnh nhạt, con quấy khóc, lên cơ quan thì khối lượng công việc dày đặc đè lên đầu, ra đường tưởng được yên ổn nhưng lại bị quấy nhiễu bởi đủ thứ như bụi bẩn, còi xe, tắc đường nên chuyện họ bị áp lực căng thẳng rất dễ xảy ra.

Có những người nhẹ thì chỉ bị stress đơn thuần, nặng thì bị rối loạn tâm lý, thậm chí có những người sau sinh, do quá nhiều căng thẳng, áp lực đè nén, còn có suy nghĩ tự tử để giải thoát tất cả mà không nói một lời, điều này cực kỳ nguy hiểm”, BS Thu nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm trên, BS Nguyễn Đăng Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức (Hà Nội) cũng cho rằng, nếu bản thân những người phụ nữ đang mang bệnh mà gia đình họ không biết và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, tình trạng của lúc đó sẽ càng trầm trọng hơn.

“Người phụ nữ từ khi sinh ra cho tới khi lấy chồng sinh con họ chịu quá nhiều thiệt thòi. Bởi vậy, gần như người chồng là chỗ dựa vững chắc nhất cho họ mỗi khi gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, nếu họ lại gặp phải những người chồng không biết quan tâm, chăm sóc, mà suốt ngày chỉ biết đến công việc, rượu chè, không phụ giúp vợ những công việc bình thường, thì dần dần người phụ nữ sẽ càng phải chịu căng thẳng cao, lâu ngày dẫn tới trầm cảm, lo âu cần phải điều trị”, BS Thắng nói.

Chị em tâm thần, phát điên vì chồng vô tâm, áp lực gia đình, công việc đè nén mỗi ngày - Ảnh 2

Các bệnh nhân gặp các vấn đề về tâm thần sẽ được hỗ trợ điều trị tích cực bằng nhiều phương pháp trong đó có hóa trị, uống thuốc, tâm lý và ngồi thiền... (Ảnh: Phạm Quý)

Để điều trị cho bệnh nhân đang trong trạng thái hoảng loạn, rối loạn tâm lý như vậy cũng khá phức tạp.

Theo TS. BS Trần Thị Hồng Thu, có người phải điều trị từ 2 - 3 tháng, nhưng cũng có người phải kéo dài cả năm, thậm chí suốt cuộc đời phải uống thuốc tùy vào tình trạng của từng người.

“Đối với những bệnh nhân thường xuyên chịu ảnh hưởng tâm lý, lâu ngày bệnh sẽ nặng, rất khó khăn để trở lại cuộc sống thường ngày.

Lúc này, bệnh nhân cần có liệu trình điều trị rất cụ thể, bài bản theo từng giai đoạn, bao gồm cả hóa trị, uống thuốc đều đặn, ngồi thiền, tập sinh hoạt, làm việc một cách khoa học kết hợp với liệu pháp tâm lý tích cực.

Trong đó, phương pháp trị liệu về tâm lý được đánh giá là phương pháp rất quan trọng, nó không chỉ làm giảm stress ở nhiều người, mà còn tốt cho tất cả các bệnh lý khác, kể các các bệnh lý về cơ thể.”, BS Thu cho hay.

Nhằm tránh những tình huống xấu xảy ra, BS Thu chia sẻ, sinh ra là phụ nữ ai cũng phải chịu đựng đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ khi bé, đến khi lớn và trưởng thành, có gia đình.

Tốt nhất người phụ nữ nên tự trang bị kiến thức cho mình sao cho có thể tận hưởng cuộc sống một cách tốt đẹp, thích nghi tốt với những áp lực không đáng có và sẵn sàng đối phó với khó khăn có thể xảy ra.

“Những lúc căng thẳng, mệt mỏi, chị em nên tự dành thời gian hơn cho mình bằng việc nghỉ ngơi, thư giãn hay đi du lịch. Tuy nhiên, nếu tình trạng căng thẳng, stress vẫn tiếp tục diễn ra, thì cần đến gặp và nghe tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt”, BS Thu nhấn mạnh.

Giảm stress và nhiều lợi ích bất ngờ của việc nghe nhạc đối với sức khoẻ

Nghe nhạc là một hình thức khá phổ biến hiện nay, có nhiều bạn nghe nhạc trong lúc đọc sách, nghe nhạc để tập trung vào công việc, hay đơn giãn chỉ là để thư giãn và giải trí. Đặc biệt, âm nhạc đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ của bạn

TIN MỚI NHẤT