Ngoài các yếu tố nguy cơ được biết đến gây ung thư miệng bao gồm hút thuốc lá, uống rượu, nhiễm virut papilloma (HPV), nhai trầu...các nhà khoa học đã phát hiện thêm một 'thủ phạm' mới...
- Sự thật tiêu diệt bệnh ung thư bằng ngủ đúng cách?
- Một ngôi làng không bệnh ung thư, nhờ ăn loại củ vừa nhiều lại rẻ
Ung thư miệng là do sự tăng trưởng và sinh sản không kiểm soát của các tế bào ở một số vùng của miệng. Nó có thể xảy ra trong má, dưới giữa và phía trước của lưỡi, hoặc trên lớp mô của miệng hoặc nướu răng.
Hiện nay, số trường hợp mắc ung thư miệng đang gia tăng ở một số quốc gia như Anh, Mỹ... Các yếu tố nguy cơ được biết đến gây bệnh lý nguy hiểm này bao gồm hút thuốc lá, uống rượu, nhiễm virut papilloma (HPV), nhai trầu...
Tuy nhiên, nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan tài trợ mới đây đã phát hiện ô nhiễm không khí là yếu tố tiềm tàng khác gây ung thư miệng.
Để khẳng định điều này, nhóm nghiên cứu tập trung vào tác động của vật chất hạt mịn, còn được gọi là PM2.5. Đây là những hạt chất lỏng hoặc chất rắn có đường kính từ 2,5 micromet trở xuống. Các nhà khoa học đã biết rằng PM2.5 có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch và hô hấp, nhưng họ muốn tìm hiểu xem liệu tiếp xúc với nồng độ PM2.5 cao hơn cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng hay không.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập thông tin từ hơn 482 nghìn nam giới từ 40 tuổi trở lên. Tất cả những người tham gia đã tham dự các dịch vụ y tế và cung cấp thông tin về hút thuốc và nhai trầu. Tiếp theo, các nhà khoa học thu thập dữ liệu từ 66 trạm quan trắc chất lượng không khí trên khắp Đài Loan. Bằng cách tham khảo hồ sơ y tế của những người tham gia, các nhà khoa học có thể ước lượng sự tiếp xúc của mỗi người với PM2.5.
Trong giai đoạn nghiên cứu (2012-2013) có 1.617 người đàn ông bị ung thư miệng. Điều này cho thấy việc tiếp xúc với PM2.5 làm tăng nguy cơ ung thư miệng và với nồng độ PM2.5 cao trên 40.37ug/m3 có nguy cơ phát triển ung thư miệng tăng 43%. Một số giả thuyết cho rằng các hợp chất gây ung thư được tìm thấy trong PM2.5 bao gồm các hydrocarbon thơm đa vòng và kim loại nặng.
Dấu hiệu nhận biết có thể bạn bị ung thư miệng
Các triệu chứng của ung thư miệng rất khác nhau, nhưng nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây kéo dài hơn 2 tuần thì nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán:
• Khó nhai hoặc nuốt
• Khối u hoặc vùng đau nhức ở miệng, họng hoặc trên môi
• Đám màu trắng hoặc đỏ trong miệng
• Khó cử động lưỡi hoặc hàm
• Sụt cân không mong muốn
• Đau hoặc loét không liền hoặc chảy máu
• Sưng nề, đau, hoặc khối u bất cứ nơi nào trong miệng hoặc trên môi
Tuy nhiên, đây không phải là những dấu hiệu chắc chắn của ung thư miệng, mà còn có thể do các bệnh khác, chẳng hạn như dị ứng hoặc nhiễm trùng. Việc nên làm là khi thấy những dấu hiệu này, bạn nên đến bệnh viện để được bác sỹ khám, xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả xấu.