Tiểu đường là căn bệnh có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, nếu chủ quan bệnh dễ gây biến chứng và gây nên những hậu quả nặng nề thậm chí tử vong.
- Tuân thủ ngay 7 thói quen này giúp bạn kiểm soát hiệu quả mức cholesterol trong cơ thể
- Cẩn thận kẻo ung thư cổ tử cung từ chính những thói quen hàng ngày của bạn
Tiểu đường – kẻ giết người thầm lặng
Trưa ngày 20/12, NSND Anh Tú đã qua đời tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì biến chứng của căn bệnh tiểu đường. NSND Anh Tú qua đời ở tuổi 56, hiện ông đang là Giám đốc nhà hát kịch Việt Nam.
Anh Tú là một nghệ sĩ đã xây dựng được tên tuổi trong làng giải trí Việt. Chính vì thế, sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với giới nghệ sĩ nói riêng và người hâm mộ Việt Nam nói chung.
Được biết, NSND Anh Tú đã phát hiện mắc bệnh từ lâu. Do là con người của công việc, nên nghệ sĩ Anh Tú chủ yếu tự điều trị bằng thuốc. Thậm chí, có thời điểm người nghệ sĩ tài hoa này còn uống cả vốc thuốc sau đó tiếp tục làm việc.
Từ khoảng giữa năm 2018, khi không còn sức khỏe để làm việc NSND Anh Tú mới vào viện kiểm tra. Khi đó căn bệnh tiểu đường đã biến chứng rất nặng, điển hình là tình trạng mờ mắt, khó giao tiếp khi gặp đồng nghiệp và những người thân.
Chia sẻ về căn bệnh tiểu đường mà NSND Anh Tú mắc phải, các bác sĩ BV Nội tiết Trung ương cho biết, hiện nay bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.
Năm 2015 toàn thế giới có 415 triệu người trưởng thành bị tiểu đường và dự đoán sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Hiện nay, ước tính cứ 11 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh tiểu đường và năm 2040 thì 10 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc căn bệnh này.
Đáng nói, đây là một trong những bệnh diễn biến khá âm thầm, không triệu chứng nên trong giai đoạn đầu người bệnh thường không biết hoặc biết nhưng không hề quan tâm đúng mức. Vì vậy, hậu quả mà nó để lại thường rất nặng nề, thậm chí tử vong.
Các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, bệnh tiểu đường đang là “kẻ giết người” thầm lặng, gây ra những biến chứng nặng nề và trở thành gánh nặng bệnh tật không chỉ đối với người bệnh, gia đình mà còn đối với toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.
Biến chứng bệnh tiểu đường rất dễ tử vong
BS.CKII Trần Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Tim mạch, BV Nội tiết Trung ương) cho biết, bệnh tiểu đường có nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu người bệnh chủ quan. Một trong số biến chứng hay gặp nhất khi bị tiểu đường đó chính là các biến chứng liên quan đến bệnh lý tim mạch.
Theo đó, có tới khoảng 70% các trường hợp ở bệnh nhân tiểu đường tử vong đều liên quan đến tim mạch. Chính vì vậy, để giảm các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường người bệnh phải kiểm soát tốt đường huyết theo khuyến cáo của bác sĩ.
Đồng thời, điều trị các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, điều trị các rối loạn chuyển hóa mỡ, hạn chế những thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu, lười vận động, kiểm soát tốt cân nặng và có chế độ sinh hoạt hợp lý, khám định kỳ hàng tháng.
Một biến chứng khác cũng vô cùng nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường, đó là gây tổn thương võng mạc. Biến chứng này sẽ gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa nếu không được điều trị đúng. Thông thường, biến chứng về mắt ở người đái tháo đường hầu hết đều được phát hiện ở giai đoạn muộn khi đã có tổn thương thị lực. Nguyên nhân là do các biến chứng diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng khiến người bệnh khó nhận biết và chủ quan.
Ngoài hai biến chứng trên, đái tháo đường còn gây ra một số các biến chứng khác gây nguy hiểm đến tính mạng như suy thận, nhiễm trùng bàn chân tiểu đường, rối loạn cương dương…
Để phòng bệnh tiểu đường, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần phải có chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý. Theo đó, nên ăn nhiều rau xanh, ăn uống vừa phải tránh các loại thức ăn có quá nhiều chất bột, đường, mỡ v.v...
Nên đi khám bệnh định kỳ hoặc có một số biểu hiện nghi ngờ tiểu đường như mờ mắt, sụt cân, tiểu nhiều…Nếu phát hiện mắc bệnh tiểu đường, cần có chế độ ăn kiêng hợp lý dưới sự tư vấn bởi bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ nội tiết.
Cần phải sử dụng thuốc đều đặn để ổn định lượng đường trong máu, khám định kỳ về mắt tại các trung tâm chuyên khoa để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng về mắt. Nhất là vào những năm thứ 5 trở đi sau khi xuất hiện bệnh.