Cùng bỏ túi cách sơ cứu người bị hóc, nghẹn để có thể tự cứu mạng mình và người xung quanh.
- 10 cách sơ cứu bạn cần nhớ kỹ để cứu mình thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp
- Nghiên cứu mới: Chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh chỉ bằng cách xem dấu vân tay
Việc bị hóc dị vật, dẫn đến nghẹn thở là tai nạn không phải hiếm thấy. Nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh rằng, mặc dù kích cỡ dị vật nhỏ nhưng nó cũng rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong khi làm tắc đường khí quản, không đưa được oxy lên não.
Chúng ta biết rằng, não rất cần oxy để có thể duy trì sự sống. Nếu đường lấy oxy bị chặn lại, hay bị nghẹn trong vòng 4 - 6 phút, não sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.
10 phút trôi qua, nguy cơ chết não là rất lớn, lúc này việc đảo ngược tình thế để cứu giúp nạn nhân là cực kỳ khó khăn.
Khi bị tắc nghẽn đường thở, người bị nạn thường có những biểu hiện ho sặc sụa, tím tái mặt mày, khó thở do dị vật mắc vào thanh quản.
Nhiều trường hợp giãy giụa, mặt đỏ bừng, ngã vật xuống vì thiếu oxy. Nếu tình trạng này diễn ra trong 5 phút mà không được cứu kịp thời, người bị nạn có thể bị suy hô hấp, dẫn đến tử vong.
Cách sơ cứu khi gặp người bị hóc, mắc dị vật trong đường thở?
Đầu tiên, xem cần xem xét người bị nạn còn phát ra âm thanh được không. Nếu có, đường thở vẫn chưa bị chặn hoàn toàn nên bạn giúp nạn nhân hãy ho thật mạnh như khạc đờm để thức ăn bật ra.
Trường hợp không thể phát ra âm thanh, bạn dùng đến lực đẩy. Lúc này, bạn cần nhớ đến thủ thuật sơ cứu Heimlich.
Đây là thủ thuật dùng để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở và choán gần hết diện tích của đường thở.
Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài.
Đầu tiên, bạn dùng 2 tay ôm xung quanh eo của nạn nhân. Hãy đảm bảo rằng 2 tay bạn ôm qua eo ở bên dưới khung xương sườn của người bị nạn.
Để mặt dưới của nắm tay gần phía trên rốn và dưới ức (vùng thượng vị). Dùng tay còn lại nắm chắc lấy bàn tay kia. Sau đó tiến hành những lần ép bụng riêng rẽ và dứt khoát theo hướng vào trong và lên trên.
Việc này sẽ gây áp lực lên cơ hoành, đưa không khí lên để đẩy thức ăn ra ngoài. Tiếp tục cho tới khi dị vật gây tắc nghẽn được đánh bật ra. Nếu 5 - 6 lần không thành công trong việc đưa vật thể ra ngoài, bạn cần gọi cấp cứu.
Trong trường hợp bạn bị nghẹn, hóc dị vật 1 mình mà không có ai bên cạnh, bạn cũng có thể tự thực hiện nghiệm pháp Heimlich để tự cứu mạng.
Bạn hãy tự đẩy ép bụng bằng cách đứng tựa lưng vào tường phẳng hoặc gập bụng vào ghế. Sau đó, dùng một bàn tay nắm chặt, tì sát phần ngón cái và ngón trỏ vào vùng bụng phía trên, ngay dưới xương ức (lòng bàn tay úp xuống).
Lấy nắm tay còn lại đấm mạnh vào nắm tay trên bụng theo chiều từ trước ra sau và từ dưới lên từng cái một. Nếu dị vật chưa ra hãy dùng ghế dựa áp phần bụng phía trên rốn lên bờ trên của tấm tựa lưng.
Sau đó dùng sức nặng của thân người gập xuống thành ghế tạo sức ép đẩy không khí từ trong ra, dị vật sẽ bị bắn ra.
Lưu ý: nếu không thành thạo thủ thuật này, hãy gọi cấp cứu để nhận được hướng dẫn trực tiếp từ bác sĩ.